Bệnh viện không phong bì

ANTĐ - Không chỉ là địa chỉ tin cậy cho người bệnh, Bệnh viện Tim Hà Nội còn nổi tiếng là BV không có tình trạng đưa và nhận phong bì. Chiều 21-2, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Bí thư Đảng bộ, Giám đốc BV Tim Hà Nội.

Tận tình thăm khám bệnh nhân tại Bệnh viện Tim Hà Nội
(Ảnh chụp lúc 20h ngày 21-2, tại phòng cấp cứu). Ảnh: Phú Khánh

Khi lòng tự trọng cao, phong bì tự triệt tiêu

- Đi đâu giờ cũng nói chuyện phong bì, nhất là tại các BV, chúng tôi  rất ngạc nhiên khi lãnh đạo TP nói BV Tim Hà Nội không có hiện tượng ấy?

- Vì sao người ta cần phong bì hay cố tình gây khó khăn để vòi vĩnh? Bởi vì, người ta phải mưu sinh. Y đức kém có thể chia làm 2 loại. Loại thứ nhất thực sự không có đạo đức và người đó không nên làm nghề y. Loại thứ hai làm nghề y nhưng thiếu đạo đức. Người ta phải làm mình làm mẩy, để bệnh nhân có khoản riêng cho họ để được đối xử tốt hơn. Chúng ta phải nhìn thẳng vấn đề để có cách triệt tiêu phong bì, nhũng nhiễu trong BV. Cái chính là phải lo được cuộc sống đầy đủ cho anh em, tạo ra cho họ môi trường lý tưởng để phát triển về chuyên môn, về thương hiệu và có đủ thu nhập để nuôi gia đình. Khi đó, chắc chắn họ sẽ yên tâm, gắn kết, yêu, quý trọng công việc hơn và đặc biệt là tôn trọng chính bản thân mình. Khi lòng tự trọng ở mức cao thì phong bì tự động triệt tiêu.

- Hiện tại, thu nhập của cán bộ, y bác sỹ trong BV như thế nào, có sánh được với các BV lớn khác ở Hà Nội?

- Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Song thu nhập của cán bộ, y bác sỹ BV Tim Hà Nội là minh bạch và rõ ràng. Ngoài khoản BV trả ra thì không còn bất kỳ khoản nào khác, nghĩa là không có những vòi vĩnh, phong bì. Nếu có bất kỳ sự phản ánh nào đó của bệnh nhân tới đường dây nóng của BV về thái độ hạch sách, nhũng nhiễu của bất kỳ cá nhân nào thì ngay lập tức Hội đồng kỷ luật sẽ họp và tùy mức độ khác nhau sẽ đưa ra các hình thức kỷ luật. Mức cao nhất là đuổi việc. Tôi không dám chắc 100% nhưng đại đa số anh em làm việc rất tốt và không có hiện tượng nhận phong bì trong BV.

- Khi đưa ra chế tài nghiêm khắc, BV đã phải xử lý ai bị bệnh nhân hay người nhà phản ánh đã nhận phong bì?

- Rất may là chưa! Chúng tôi chưa phải áp dụng hình thức kỷ luật cho bất kỳ cán bộ, y bác sỹ nào của BV.

“Làm tư trong bệnh viện công”

- Ngoài thu nhập, việc tạo môi trường làm việc, cống hiến cho các y, bác sỹ cũng hết sức quan trọng để xóa nạn phong bì?

- Tôi nói với anh em rằng, nếu họ muốn về BV Tim Hà Nội công tác chỉ vì nghe thấy BV có thu nhập tốt, ổn định thì đừng nên về. Hãy về vì mình tự hào được làm việc ở BV Tim Hà Nội – một môi trường hết sức minh bạch và đoàn kết. Các anh em được tạo đầy đủ mọi cơ hội để thăng tiến, học tập, nâng cao chuyên môn ở trong nước cũng như nước ngoài. Nhưng thế là chưa đủ. Quan trọng nhất, họ về đây là để được thể hiện bản thân mình. Đó là điều tối cao. Chúng ta cần tiền, cần vật chất để duy trì cuộc sống, song niềm tự hào của mỗi con người được tôn trọng, được phát triển còn quan trọng hơn. Đó chính là cách chúng tôi đang làm để thu hút nhân tài.

- Bác sỹ làm ở BV Tim Hà Nội có phải làm thêm ở ngoài để trang trải cuộc sống không?

- Tôi cũng là bác sỹ và để sống được thì cũng phải bươn trải. Hồi trước, khi còn ở BV Bạch Mai, tôi cũng đã ra ngoài làm thêm vào buổi trưa, sau giờ làm việc. Tôi cũng như mọi người đều muốn con cái có những điều kiện tốt nhất để học tập, phát triển. Tuy nhiên, khi ra ngoài làm, có tiền đấy, nhưng tôi thấy không tự hào. Thực chất, mình vẫn là làm thuê cho ai đó. Cách đây hơn 20 năm, khi còn học ở Pháp, ngay trong các BV công của Nhà nước, vẫn có những giờ để các bác sỹ “làm tư trong bệnh viện công”. Tôi có hỏi thầy tôi tại sao lại như thế. Ông trả lời việc đó rất tốt khi mọi thứ đều minh bạch. Bác sỹ sẽ không  phải ra ngoài bươn chải, còn thương hiệu của BV tăng lên.

Tôi đã áp dụng cách đó ở BV Tim Hà Nội. Hiện nay, các bác sỹ trước đây vẫn bươn chải như tôi, giờ không còn nữa. Anh em yên tâm công tác trong BV. Dù chúng tôi là BV Nhà nước nhưng vì theo cơ chế tự chủ tài chính nên vẫn có chuyện “làm tư trong Nhà nước”. Những việc đó, chúng tôi luân phiên nhau làm. Các bác sỹ không còn gợn lên suy nghĩ rằng mình phải làm thuê cho ai đó, đây là làm cho BV mà mình cũng tăng thêm thu nhập.

“Thay đổi, hoặc là chết”

- Khám dịch vụ thì giá cao hơn, ông đã nghe bệnh nhân nào kêu ca rằng cao quá hay chưa?

- Tôi khẳng định là không hề cao. Chúng tôi là BV 100% tự quản về tài chính, không nhận ngân sách, không nhận lương. Các BV khác tính giá dịch vụ chỉ có 4 thành phần, trong khi chúng tôi có tới 7. Đó là tính đúng, tính đủ và thực ra cũng chỉ cao hơn một chút, chứ không hề quá cao, người bệnh hoàn toàn chấp nhận được. 18 tháng qua, chúng tôi có gặp 1 trường hợp duy nhất nói giá cao. Dù vậy, sau khi được giải thích cặn kẽ nguyên do thì bệnh nhân đã hiểu ra. Ở đây, Nhà nước không phải trả lương, không phải đầu tư 70 triệu đồng/giường bệnh/năm, tức là giảm đi rất nhiều. Số tiền đó sẽ giúp được rất nhiều người nghèo, người còn khó khăn. 

- Dư luận bức xúc vì y đức, trong đó, ngoài chuyện vòi vĩnh, phong bì, thì thái độ ứng xử vô cảm, lạnh nhạt của nhân viên y tế cũng là vấn đề lớn, có người nói đây là bệnh nan y của các BV?

- Trước đây, BV Tim Hà Nội cũng không khác mấy so với các BV khác. Rồi chúng tôi đã cùng ngồi bàn với nhau và thống nhất: thay đổi hoặc là chết. Nếu cứ giữ kiểu cách cũ thì không thể phát triển được, thậm chí còn kéo nhau xuống. Chúng tôi đã đưa ra khẩu hiệu 3 chữ Th (BV Thân thiện - Dịch vụ Thuận tiện - Nhân viên Thanh lịch) và muốn toàn thể BV thấu hiểu, đồng cảm, cùng thực hiện. Giờ đây, chúng tôi là BV nhưng có người bảo như khách sạn, không hề có cảm giác BV. Còn Thuận tiện, người bệnh đi khám trong ngày là đầy đủ khám, xét nghiệm, thuốc men... Nếu khám tự nguyện, từ đầu tới cuối chỉ trong 90 phút. Đây là tiêu chuẩn Mỹ. Thứ ba, chúng tôi yêu cầu nhân viên phải luôn thanh lịch. Chúng tôi đã nhận được đánh giá rất tốt từ người bệnh và đồng nghiệp. Kết quả hiển hiện dần thay đổi những quan niệm, thói quen cũ. Cùng thời gian, chắc chắn, mọi thứ sẽ càng tốt lên hơn. Bởi tuổi đời trung bình của cán bộ, nhân viên BV Tim Hà Nội rất trẻ, chỉ khoảng 30. Tôi sinh năm 1967, già nhất. Còn lại đều là những bác sỹ trẻ, năng động, nhiệt tình, có trình độ, nếu chúng ta có định hướng tốt, họ sẽ còn tiến rất xa. 

10 năm, hơn một vạn ca phẫu thuật tim


Từ năm 2004 – 2013, BV Tim Hà Nội đã phẫu thuật tim cho trên 10.000 bệnh nhân, Năm 2013, có 1.153 bệnh nhân được phẫu thuật. Tỷ lệ tử vong sau phẫu thuật ngày càng thấp, chỉ chiếm 1,4%. Bên cạnh công tác chuyên môn, công tác xã hội, từ thiện rất được BV quan tâm. Rất nhiều tổ chức, cá nhân đã chung tay góp sức cùng BV làm tốt việc giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí hỗ trợ (cho 207 bệnh nhân) lên tới hơn 6,78 tỷ đồng.
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn: “BV Tim Hà Nội thành lập từ năm 2001. Tới năm 2004, BV đi vào hoạt động. Năm 2005, BV được UBND TP cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, tự quản về tài chính 100% theo Nghị định 43/NĐ-CP của Chính phủ, tức là BV sẽ không nhận bất kỳ nguồn tài chính nào từ ngân sách Trung ương hay TP Hà Nội. Toàn bộ các hoạt động trong bệnh viện (trả lương, mua sắm, nâng cấp trang thiết bị, trụ sở...) đều do BV tự chủ. Ban đầu, TP đầu tư cho BV 52 tỷ đồng. Sau đó, BV tự hoạt động, tự nuôi nhau theo cơ chế đó.

Giai đoạn ban đầu BV cũng khó khăn, lương anh em khá thấp bởi cần thắt lưng buộc bụng để đầu tư thêm máy móc, nâng cấp trụ sở. Dần dần, uy tín BV tăng lên, bệnh nhân tới đông hơn và nguồn thu từ từ tăng lên. Từ đó, thu nhập của anh em mới cải thiện và nguồn đầu tư cho cơ sở vật chất cũng cao hơn”.