Bệnh viện công vẫn e dè vay vốn xã hội hóa

ANTĐ - Không chỉ khó thu hút đầu tư xã hội hóa, nhiều bệnh viện công của Hà Nội còn đang gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối thu - chi, đảm bảo kinh phí cho các hoạt động chi thường xuyên. Cũng vì thế, dù thành phố khuyến khích các bệnh viện vay vốn ngân hàng để đầu tư xã hội hóa song đến nay hầu hết bệnh viện vẫn chưa dám tham gia.

Dám vay vốn là…rất dũng cảm

Đây là vấn đề được Sở Y tế Hà Nội báo cáo tại hội nghị Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội tiếp xúc cử tri chuyên đề về công tác dân số và y tế trên địa bàn thành phố, diễn ra sáng 28-7. Theo báo cáo này, do quy định hiện hành còn nhiều bất cập, các bệnh viện không còn kinh phí để đảm bảo các khoản chi hoạt động thường xuyên. Đặc biệt, nhiều bệnh viện thiếu kinh phí để duy tu bảo dưỡng trang thiết bị, vệ sinh môi trường, nợ tiền thuốc. 

Đáng chú ý, bên cạnh phương thức xã hội hóa theo hình thức cũ thì mới đây thành phố cũng khuyến khích các cơ sở y tế công thực hiện xã hội hóa theo tinh thần Nghị quyết 93 của Chính phủ, chủ động vay vốn để xã hội hóa. Tuy nhiên, đa số các bệnh viện chưa dám vay vốn đầu tư.

Bệnh viện công vẫn e dè  vay vốn xã hội hóa ảnh 1

Kiểm tra công tác xã hội hóa tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội - 1 trong 3 bệnh viện sẽ vay vốn để đầu tư xã hội hóa

Ông Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, việc các bệnh viện đứng ra vay vốn ngân hàng để đầu tư xã hội hóa là “rất dũng cảm” vì áp lực rất lớn. “Làm thế nào thu được vốn để trả lãi, trả gốc ngân hàng từ các nguồn máy móc, trang thiết bị đầu tư xã hội hóa, trong khi vẫn phải đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người bệnh không phải bài toán dễ. Chưa kể lãi suất ngân hàng cho vay 7% như hiện nay là quá  lớn để đầu tư vào lĩnh vực y tế công, khi mà việc tính đúng, tính đủ giá viện phí như thế nào đang rất khó xác định do vẫn phải dựa vào khung giá liên Bộ ban hành…”- Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn phân tích. 

Tương tự, Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn - ông Đào Quang Minh cũng cho rằng, nếu vay vốn để xã hội hóa với các dự án có kinh phí lớn tại bệnh viện công thì người dân sẽ chịu thiệt do giá dịch vụ bị đẩy cao. Do vậy, bệnh viện này đề xuất chỉ nên xã hội hóa với những trang thiết bị, dự án có số vốn đầu tư vừa phải, còn dự án chi phí lớn ngân sách Nhà nước vẫn phải đầu tư.

Sẽ để bệnh viện tự chịu trách nhiệm

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, hiện Sở Y tế mới hướng dẫn 3 bệnh viện (gồm Da liễu, Ung bướu, Phụ sản Hà Nội) xây dựng đề cương xin chủ trương vay vốn tín dụng đầu tư xây dựng bệnh viện với tổng nguồn vốn đầu tư của 3 bệnh viện là 510 tỷ đồng. Cụ thể, Bệnh viện Ung bướu vay 100 tỷ đồng, Bệnh viện Da liễu vay 115 tỷ đồng, Bệnh viện Phụ sản 300 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chia sẻ, việc này vừa mới vừa khó. “Chẳng hạn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội dự kiến vay hơn 300 tỷ đồng, mở mắt ra đã phải lo trả nợ. Đấy là chưa kể phải tính toán để xã hội hóa mang lại lợi ích cho bệnh viện, cho cán bộ công nhân viên, bởi cá nhân có lợi ích thì họ mới vay vốn để làm xã hội hóa. Do vậy trước mắt thành phố chỉ nghiên cứu thực hiện với một số bệnh viện có thể cân đối được thu chi, có đủ khả năng thực hiện chứ chưa khuyến khích thực hiện với tất cả các bệnh viện hạng 1” – ông Nguyễn Khắc Hiền nói. 

Ông Nguyễn Khắc Hiền thừa nhận, với các bệnh viện chủ động vay vốn ngân hàng để đầu tư xã hội hóa, nếu thủ tục càng lâu càng làm tăng áp lực cho các cơ sở vay vốn. Do vậy tới đây, với những dự án vay vốn để đầu tư xã hội hóa với mức vốn thấp (dưới 1 tỷ đồng), Sở Y tế sẽ đề xuất giao cho cơ sở tự quyết, tự chịu trách nhiệm chứ không phải đợi cấp trên phê duyệt như hiện nay.

Cũng theo ông Nguyễn Khắc Hiền, điều quan trọng nhất là phải công khai minh bạch trong thực hiện xã hội hóa y tế tại các bệnh viện công. “Không thể lẫn lộn, nhập nhằng giữa phần xã hội hóa với vốn ngân sách đầu tư, nếu không chắc chắn sẽ xảy ra tiêu cực” - ông Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh.