Bệnh viện công lập đầu tiên được cổ phần hóa: Người bệnh được hưởng lợi gì?

ANTĐ - Ngày 21-10 vừa qua, lần đầu tiên tại Việt Nam, một bệnh viện công là Bệnh viện Giao thông vận tải (GTVT) Trung ương đã cổ phần hóa, chuyển từ mô hình được nhà nước bao cấp sang loại hình hoạt động dịch vụ. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ là tạo ra bước thay đổi đột phá mới của ngành y, song theo đại diện Bộ Y tế, hiện Bộ chưa có chủ trương, khuyến khích mở rộng.

Bệnh viện công lập đầu tiên được cổ phần hóa: Người bệnh được hưởng lợi gì? ảnh 1Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương vừa được cổ phần hóa

Tín hiệu đáng mừng

Theo công bố của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội về kết quả đấu giá cổ phần của Bệnh viện GTVT Trung ương (thuộc Bộ GTVT), toàn bộ hơn 4,95 triệu cổ phần của bệnh viện đã được đấu giá thành công với mức giá trung bình 23.597 đồng, thu về hơn 116,8 tỷ đồng. Sự kiện Bệnh viện GTVT Trung ương chào bán cổ phần và có đến gần 30% vốn cổ phần của toàn bệnh viện được đặt mua ngay trong lần giao bán đầu tiên vào ngày 21-10 vừa qua được coi là khá bất ngờ, từ số nhà đầu tư tham dự đấu giá đông cho đến giá trị cổ phần được chào bán khi có nhà đầu tư trả giá cao gấp 2,6 lần so với giá khởi điểm. 

Đến thời điểm này, Bệnh viện GTVT Trung ương là đơn vị y tế công lập đầu tiên trong cả nước tiến hành thí điểm cổ phần hóa. Hiện tại bệnh viện này có khoảng 450 cán bộ y tế nhưng công suất giường bệnh chỉ đạt khoảng 60%, cho thấy hoạt động của bệnh viện thời gian qua không thực sự hiệu quả và vì thế, chiến lược cổ phần hóa được Bộ GTVT đưa ra có thể coi là giải pháp cần phải triển khai để thu hút nhà đầu tư chiến lược có kinh nghiệm quản lý, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao... tạo điều kiện đổi mới hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân. 

Theo ông Lê Tuyên Hồng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện GTVT Trung ương, việc bệnh viện thực hiện cổ phần hóa là bước đi đúng đắn theo chủ trương của Chính phủ về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Sau cổ phần hóa, quyền lợi của bệnh nhân không những vẫn được giữ nguyên mà còn được hưởng những dịch vụ với chất lượng tốt hơn trước. Về phía Bộ Y tế, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cũng cho rằng, việc Bệnh viện GTVT  được bán đấu giá trên cơ sở cổ phần hóa và được cổ đông quan tâm là tín hiệu đáng mừng, cho thấy giá trị thương hiệu của các bệnh viện công lập hiện vẫn lớn, đồng thời sẽ giúp bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. 

Chưa khuyến khích cổ phần hóa

Tại một hội thảo mới đây của ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết không khuyến khích cổ phần hóa bệnh viện công mà chỉ khuyến khích đầu tư bệnh viện tư nhân, không để “công-tư” lẫn lộn trong mô hình bệnh viện. Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh đến việc cần bổ sung giải pháp về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh như khuyến khích phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình, củng cố y tế cơ sở, phát triển nguồn nhân lực quản lý bệnh viện, hoàn thành đúng lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Đồng thời nên tạo cơ chế tự chủ để tăng nguồn thu cho các đơn vị sự nghiệp, trong đó y tế công lập giữ vai trò chủ đạo, đảm bảo các nhiệm vụ, các lĩnh vực mà tư nhân không hoặc ít có điều kiện tham gia, còn y tế ngoài công lập đóng vai trò bổ sung, phục vụ các đối tượng có khả năng chi trả, tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu. 

Trao đổi với báo chí ngày  23-10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, hiện tại Bộ Y tế chưa có chủ trương cổ phần hoá bệnh viện công. Nguyên nhân vì tư nhân hóa bệnh viện dù một phần thì bệnh viện sẽ hoạt động như một doanh nghiệp, khi đó lợi nhuận sẽ là mục tiêu của bệnh viện, đồng nghĩa với việc người nghèo sẽ càng khó tiếp cận dịch vụ y tế. Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến phân tích, nguyên nhân khiến Bộ chưa bàn đến việc cổ phần hoá bệnh viện công là do trong nhiều năm qua Nhà nước vẫn luôn đảm bảo tài chính cho các bệnh viện để khám chữa bệnh phục vụ cho dân, vì đây là công tác an sinh xã hội. Hơn nữa, trong thời gian tới, giá dịch vụ y tế sẽ tăng, sẽ góp phần cải thiện cơ sở vật chất, thái độ phục vụ của nhân viên y tế ở bệnh viện công với bệnh nhân thì không nhất thiết phải cổ phần hoá để phát triển bệnh viện.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, ông ủng hộ chủ trương cổ phần hóa bệnh viện công để nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tiên lưu ý, để đạt được mục tiêu hướng tới người bệnh như vậy thì sau khi cổ phần hóa, Bộ GTVT phải có chủ trương khuyến khích những người mua điều hành theo hình thức phi lợi nhuận, dành phần nhiều lợi nhuận vào việc đầu tư để phát triển bệnh viện.

Không nên cổ phần hóa bệnh viện đầu ngành

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho rằng, chưa nên tính tới chuyện cổ phần hóa một số bệnh viện mũi nhọn như: Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Phụ sản Trung ương và các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành khác. Đây là những bệnh viện công đi đầu của cả nước để phát triển y học hiện đại như ghép tim, ghép gan, thụ tinh ống nghiệm, mổ tim hở…, những kỹ thuật này cần đầu tư lớn cho đội ngũ bác sĩ, chi phí cho các kỹ thuật cũng lớn và không có lợi nhuận nên nếu cổ phần hóa thì nhà đầu tư sẽ không chú trọng. Hơn nữa, những bệnh viện đầu ngành này không chỉ phát triển kỹ thuật mũi nhọn mà còn làm công tác chỉ đạo để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới.