Bệnh nhân viêm não gia tăng mạnh

ANTĐ - Những ngày gần đây, tại một số bệnh viện Trung ương và Hà Nội liên tiếp ghi nhận hàng chục ca mắc viêm não Nhật Bản. Diễn biến của dịch cho thấy phức tạp hơn hẳn quãng thời gian đầu hè. Một phần do biểu hiện của bệnh này khó nhận biết sớm, phần khác do sự chủ quan của chính các bậc phụ huynh khiến nhiều trẻ rơi vào tình trạng nguy kịch.

Bệnh nhân viêm não gia tăng mạnh  ảnh 1Bệnh nhi bị viêm não được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Rớt nước mắt nhìn con nằm hôn mê

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 15 đến 21-6) trên địa bàn thành phố ghi nhận 2 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên 11 trường hợp. Đối tượng mắc chủ yếu là trẻ chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản. Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên, dịch viêm não Nhật Bản trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận đang diễn biến phức tạp hơn nhiều. Chỉ tính riêng tại khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, những ngày gần đây số ca vào điều trị vì viêm não tăng mạnh, nâng tổng số ca được ghi nhận từ đầu hè lên khoảng 40 trường hợp, trong đó có 4 ca viêm não Nhật Bản. Qua theo dõi tại khoa, tỷ lệ mắc viêm não Nhật Bản trên tổng số ca mắc viêm não thường chiếm từ 15-20%.

Tương tự, tại khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương, riêng trong tuần vừa qua đã tiếp nhận điều trị cho 4 bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản. Cả 4 bé đều nhập viện trong tình trạng sốt cao, rối loạn nhận thức, thậm chí 2 bệnh nhân là Nguyễn Thị Tr. (9 tuổi, ở Nghệ An) và Hà Văn V. (12 tuổi, ở Sơn La) rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Trong đó, trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Tr. do đến viện muộn nên hết sức nguy kịch, sau gần chục ngày  điều trị vẫn chưa có dấu hiệu khả quan.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị H., mẹ bệnh nhi Nguyễn Thị Tr. cho biết, khi con có biểu hiện sốt, đau đầu, gia đình chị chỉ đưa con đến thầy thuốc đông y ở gần nhà chữa trị. Thầy thuốc đông y chẩn đoán con chị bị cảm hàn biến chứng, cho thuốc về uống nhưng 2 ngày sau cháu bé càng nặng thêm. Gia đình tiếp tục đưa bé đến một thầy thuốc đông y khác và được thầy cắt cho 3 thang thuốc. Kết quả uống xong thì cháu bé càng lịm đi, lên cơn co giật, lúc này gia đình phải đưa thẳng cháu bé ra Viện Nhi Trung ương điều trị. 

Tháng 7 là “mùa” cao điểm

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, với diễn biến dịch viêm não nói chung, viêm não Nhật Bản nói riêng như hiện nay, tháng 7 có thể là tháng đỉnh điểm của dịch bệnh. Đây là bệnh nguy hiểm vì với các ca mắc viêm não thông thường, nếu không được điều trị kịp thời cũng có thể gây tổn thương não. Còn với những ca nặng, sau điều trị, bệnh nhân có thể hồi phục nhưng tỷ lệ để lại di chứng rất cao. Điều đáng nói là do diễn tiến của bệnh viêm não nói chung và viêm não Nhật Bản nói riêng thường phức tạp, lại dễ nhầm lẫn với các bệnh khác nên khi phát hiện bệnh, cộng thêm sự chủ quan của một số bậc cha mẹ khiến đa số bệnh nhân khi nhập viện đều đã có biến chứng, nên việc điều trị rất khó khăn. 

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải khuyến cáo, với viêm não Nhật Bản, thời gian ủ bệnh từ 5-15 ngày. Khoảng thời gian từ 1-6 ngày sau khi bị virus xâm nhập, bệnh nhân có sốt kèm theo ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn khan. Giai đoạn viêm não cấp tính với biểu hiện sốt cao liên tục 38-40 độ C, đau đầu, cứng gáy, có dấu hiệu thần kinh trung ương bị thương tổn như co giật, run giật tự nhiên ở ngón tay, mi mắt. Do vậy, các bậc cha mẹ cần hết sức chú ý theo dõi sức khỏe của trẻ trong mùa dịch viêm não để có thể phát hiện sớm dấu hiệu bệnh. Cụ thể khi thấy trẻ có dấu hiệu sốt li bì kèm nôn, cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được theo dõi, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đặc biệt, để phòng ngừa bệnh viêm não, các bậc cha mẹ cần cho con em mình tiêm phòng đầy đủ theo lịch trình của cơ sở y tế địa phương.