Bệnh lạ Quảng Ngãi nghi do gạo mốc

ANTĐ - Đoàn công tác của Bộ Y tế với hơn 50 cán bộ, chuyên gia do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm trưởng đoàn đã về xã Ba Điền, huyện Ba Tơ - Quảng Ngãi để tìm hiểu nguyên nhân và chỉ đạo các ngành chức năng giải quyết dứt điểm “bệnh lạ”. Bước đầu các chuyên gia đã có kết luận hội chứng viêm dày sừng da bàn tay bàn chân có thể do bị nhiễm độc từ gạo mốc  và không có tính lây nhiễm.

Lòng bàn tay, bàn chân của bệnh nhân mắc bệnh tổn thương da lạ lở loét giống vết bỏng


Nghi do gạo mốc

       

Cho đến ngày 29-4, tỉnh Quảng Ngãi 19 trường hợp tử vong. Bệnh diễn biến kéo dài hơn 1 năm, số trường hợp mắc bệnh liên tục tăng, nhiều trường hợp tử vong liên tiếp trong thời điểm gần đây đã gây hoang mang, lo lắng cho đồng bào trong và ngoài vùng. Nhiều hộ gia đình bỏ làng đi nơi khác, học sinh bỏ học, chuyển trường… vì lo sợ bị nhiễm chứng bệnh này.

Kết luận ban đầu của chuyên gia các nhóm khảo sát thuộc Bộ Y tế là: Người mắc hội chứng viêm dày sừng da bàn tay bàn chân rất có thể là do nhiễm độc qua con đường ăn uống và không có tính lây truyền như nhiều người nghĩ. Virut Ricketsia không phải là tác nhân gây bệnh.

Các yếu tố nghi ngờ gây ra hội chứng nhiều nhất là gạo, nước uống và kim loại nặng hay hóa chất. Qua khảo sát ban đầu cho thấy, trong số 33 hộ dân có người mắc bệnh thì có đến 68% ăn gạo ủ mốc (gạo tự chế biến). Còn khảo sát 44 nhà không có người mắc bệnh thì chỉ có 31% hộ ăn gạo mốc.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết tác nhân chính khiến cho hội chứng dày sừng ngày càng bùng phát là do tâm lý của người dân không muốn nằm viện dài ngày để điều trị bệnh  tại các cơ sở y tế. Trước mắt, ngành y tế sẽ tích cực chỉ đạo cung cấp các thiết bị chống độc gan và lọc máu cho Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi và xe cứu thương cho Trung tâm y tế huyện Ba Tơ nhằm hỗ trợ điều trị bệnh. Bên cạnh đó, chỉ đạo các Bệnh viện lân cận trong khu vực tích hỗ trợ hết sức cho tỉnh Quảng Ngãi giải quyết điều trị những ca bệnh nặng. Chú trọng đến việc giáo dục tuyên truyền, vận động người dân điều trị bệnh triệt để. Đồng thời nhấn mạnh, sẽ chỉ đạo chỉnh lại phác đồ điều trị một cách hợp lý và hiệu quả trong thời gian sớm nhất ngay sau khi xác định rõ nguyên căn bệnh có phải là do thực phẩm hay không. Để giải quyết tình thế, Bộ trưởng yêu cầu địa phương vận động đồng bào bỏ thói quen ăn gạo ủ mốc và cung cấp một số lượng gạo chất lượng an toàn cho bà con.

Hoang mang Ba Điền

Gần nửa tháng qua, có đến gần 20 đoàn công tác về địa phương này nghiên cứu về “bệnh lạ”. Người mắc bệnh ngày càng tăng, người dân nơi đây vô cùng hoang mang, lo sợ. Con đường duy nhất từ UBND xã Ba Điền dẫn vào “rốn dịch” làng Rêu và Gò Nghênh đã được “khóa cổng” bởi hàng rào tre. Ngày 28-4, khi đoàn của Bộ Y tế vào làng, người đứng đầu thôn Gò Nghênh quyết định… không mở.

Dân làng rào cổng làng không cho người lạ vào

“Làng đang cúng giải trừ con ma. Ai tháo cổng đi vào, con ma “bắt” người làng đi thì làng bắt đền” - già làng Phạm Văn Vòng của thôn Gò Nghênh phán. Sau khi đại diện huyện Ba Tơ thuyết phục, người dân mới dỡ bỏ hàng rào tre cho đoàn vào. “Nếu “bắt” được bệnh thì “bắt” đi. Càng vào mà người bệnh càng tăng, chúng tôi sợ lắm” - già làng Phạm Văn Đang của làng Rêu nói.

Cho tới ngày 29-4, xã có thêm 5 trường hợp mắc bệnh, tăng số người mắc bệnh ở đây từ năm 2011 đến nay đã lên 177 trường hợp. Dù nghỉ đợt nghỉ lễ 30-4, nhưng thầy hiệu trưởng Trường tiểu học-THCS Ba Điền Nguyễn Văn Dương vẫn Ở lại xã vận động học sinh tới trường lại. "Ngày 24-4, tình hình bệnh có lắng xuống, học sinh đi học đông lên. Vậy mà vào ngày 25-4, khi xã có thêm 4 ca mắc bệnh ở thôn Hi Long, học sinh sáng 26-4 đã... trở lại như mấy ngày trước: chỉ có 50% đến lớp", thầy Dương ngao ngán nói. Theo thầy Duơng, hiện trường có 29 học sinh mắc bệnh lạ (chưa kể các trường hợp tái phát, đã hết đau) từ 2011 đến nay, trường có 8 em học sinh tử vong vì bệnh lạ (năm 2011 có 3 trường hợp và năm 2012 là 5 trường hợp).

Trò chuyện với chúng tôi, thầy Dương cho hay, năm 2008, xã Ba Điền đã có người chết mà triệu chứng bệnh giống như bệnh lạ ngành y tế phát hiện từ 19-4-2011. Lật sổ ghi chép, thầy Dương cho chúng tôi biết danh sách ba học sinh của trường ở thôn Gò Nghênh chết năm 2008 gồm: Phạm Văn Duy, học sinh lớp 7, chết tháng 2; Phạm Văn Viện, học sinh lớp 1, chết vào tháng 3. Tiếp theo, vào năm 2010, có em Phạm Văn Mú, lớp 6, chết vào tháng 5 và hai chị em ruột là học sinh của trường cũng đổ bệnh kiểu như bệnh lạ và chết. Đó là hai đứa con của ông Phạm Văn Đáy, gồm Phạm Thị Dút, lớp 8 (chết tháng -2010) và Phạm Thị Pông, lớp 9 (chết tháng 12-2010). Tiếp theo, vào năm 2011, em trai của hai em học sinh nói trên là Phạm Vắn Déo (hiện đang học lớp 6) cũng mắc bệnh này, đã được chữa khỏi. "Đó chỉ là học sinh của trường, còn người dân thì mắc bệnh này hồi đó cũng có và cũng có trường hợp chết"- thầy Dương cho biết. Xác minh điều này, anh Phạm Văn Xu – trạm y tế xã Ba Điền cho chúng tôi hay, anh biết các trường hợp nói trên và triệu chứng bệnh cũng như bệnh lạ bây giờ. "Có điều hồi đó, bà con bị bệnh là tự cúng ở nhà, không đến cơ sở y tế chữa trị và cũng không ai nghĩ đó là bệnh quái ác như bây giờ nên ngành y tế không phát hiện ra bệnh này"-anh Xu nói.