Bệnh dịch tấn công trẻ nhỏ khi chuyển mùa

ANTĐ - Thời tiết thay đổi bất thường trùng với mùa học sinh tựu trường nên trong khoảng 2 tuần gần đây, số trẻ bị các bệnh dịch tấn công phải vào viện tăng khá cao. Đông nhất vẫn là bệnh nhi mắc bệnh viêm đường hô hấp, tiếp đến là tay chân miệng, cũng đã có một số trẻ bị đau mắt đỏ.

Chuyển mùa, số bệnh nhi điều trị tại BV Bạch Mai gia tăng

Tay chân miệng ở thể nhẹ

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi- BV Bạch Mai cho biết, những ngày gần đây, số bệnh nhi đến khám mỗi buổi tối tăng cao, khiến các bác sĩ phải làm việc quá tải. Đáng chú ý ở thời điểm này có rất nhiều bệnh nhi bị tay chân miệng, bình quân mỗi tối khoảng 15-20 ca, với những triệu chứng trên lâm sàng khá điển hình như sốt cao, nổi ban ở tay chân, trong miệng. Điều đáng mừng là hầu hết đều bị mắc bệnh ở thể nhẹ, chỉ có một vài trường hợp nặng do bị viêm loét họng không ăn uống và uống thuốc được. Dù vậy, do tay chân miệng là bệnh rất dễ lây lan, đặc biệt trong môi trường đông người như lớp học, nhà trẻ nên sự gia tăng bệnh nhân trong thời điểm này cảnh báo các bậc phụ huynh, thầy cô giáo phải hết sức chú ý phòng bệnh cho trẻ.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoảng 2 tuần nay không ghi nhận nhiều bệnh nhi sốt virus nhưng số trẻ bị các bệnh về đường hô hấp lại gia tăng đột biến, tập trung chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Có không ít trẻ bị viêm phổi nặng, gặp biến chứng suy hô hấp, phải thở máy. Lo ngại nhất là ở nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi do có một số trẻ gặp biến chứng nhanh, lúc sáng còn hoàn toàn bình thường nhưng đến trưa đã tiến triển nặng, phải vào viện cấp cứu. Đây cũng là điểm khác biệt so với các vụ dịch trước trong năm. 

Nhiều trẻ bị đau mắt đỏ

Đưa con đến khám tại BV Mắt Hà Nội, mẹ của cháu Nguyễn Ngọc H., học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Nam Thành Công (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, cháu bị lây đau mắt đỏ từ một bạn học cùng lớp nên phải nghỉ học mấy hôm nay. Bác sĩ Trịnh Bích Ngọc, Phó Giám đốc BV Mắt Hà Nội cho biết, vài tuần gần đây, ngày nào BV cũng đón tiếp khoảng 25-30 bệnh nhân đau mắt đỏ, trong đó trẻ em chiếm tỷ lệ cao. Bệnh nhân thường có triệu chứng mắt cộm, đỏ, ngứa, chảy nước mắt. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết thêm, qua thăm khám cho một số trẻ bị đau mắt đỏ cho thấy, nhiều bậc phụ huynh, người bệnh vẫn khá chủ quan, tự pha nước muối hoặc thuốc để tra mắt, không cần có chỉ định của bác sĩ. Một số trường hợp bị biến chứng, khi vào viện khám thì giác mạc đã bị ảnh hưởng, bị phù mắt đỏ, có màng trong mắt, thị lực suy giảm. Những năm gần đây, ngoài biểu hiện đau mắt đỏ bình thường do virus, còn có những bệnh nhân bị sưng húp mắt, chảy dịch hồng như máu ở khóe mắt. 

Còn tại BV Mắt Trung ương, bác sĩ Hoàng Cương cho biết, số trẻ đến khám đau mắt chưa có biến động lớn. Tuy nhiên cũng không thể chủ quan bởi thông thường đây là thời điểm mà bệnh đau mắt đỏ thường gia tăng tại Hà Nội. Lý do vì thời tiết đang từ nắng nóng chuyển qua mưa, độ ẩm không khí tăng cao, môi trường nhiều khói bụi... là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển và bùng phát thành dịch. Bên cạnh đó, khi giao mùa, sức đề kháng của cơ thể thường bị suy yếu nên virus “tấn công” dễ dàng hơn.