Bến xe an toàn nhờ cách làm đồng bộ

ANTĐ - Trạm trung chuyển xe buýt Long Biên (phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội) từng được nhắc tới như một “điểm nóng” về ANTT, nơi nhiều đối tượng hình sự, nghiện ngập tụ tập hoạt động trộm cắp. Sau 3 năm triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động, đấu tranh triệt xóa, ANTT nơi đây đã có nhiều thay đổi, trở thành một bến xe an toàn.

Lực lượng công an thường xuyên ứng trực công khai phòng chống trộm cắp

Từ địa bàn nhiều phức tạp

Nhớ lại thời điểm năm 2009, khi trạm trung chuyển xe buýt Long Biên mới đi vào hoạt động, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Chủ tịch UBND phường Nguyễn Trung Trực cho hay: Từ ngày đi vào hoạt động đến nay, đây vẫn là trạm trung chuyển xe buýt lớn nhất trên địa bàn Thủ đô, trung bình có gần 2.500 lượt xe, với khoảng 10.000 khách qua lại mỗi ngày. Tiếp giáp với chợ Long Biên, ga Long Biên, chợ Đồng Xuân nên mật độ giao thông quanh khu vực luôn cao, chưa kể tới hàng trăm người hành nghề “xe ôm”, xe taxi, hàng rong “vây” kín xung quanh gây nên những phức tạp về ANTT-TTĐT. Lợi dụng lượng hành khách đến trạm trung chuyển đông, các đối tượng nghiện, trộm cắp, móc túi từ nhiều nơi đã “tụ” về đây hoạt động, đặc biệt vào các giờ cao điểm gây bức xúc trong nhân dân.

Trước tình hình đó, nhằm lập lại TTGT-TTĐT, phòng chống tội phạm và TNXH, đảm bảo cho mọi người dân đi lại an toàn, đầu năm 2010, CAP Nguyễn Trung Trực đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND phường xây dựng, triển khai chuyên đề: “Vận động toàn dân tham gia phong trào xây dựng bến xe buýt an toàn”. Thiếu tá Hoàng Ngọc Quyết - Trưởng CAP Nguyễn Trung Trực chia sẻ: “Hiệu quả triển khai chuyên đề đến đâu, ANTT xung quanh bến xe chuyển biến thế nào, phụ thuộc nhiều vào công tác tuyên truyền và sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể”. 

Đến trạm trung chuyển “sạch” tội phạm

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, ngay từ khi triển khai, CBCS CAP Nguyễn Trung Trực đã giao ước thay nhau viết, đọc các bài tuyên truyền, khuyến cáo, thông báo thủ đoạn hoạt động của tội phạm trộm cắp, để phát trên hệ thống loa phóng thanh ở trạm trung chuyển vào giờ cao điểm, giúp hành khách đi xe nâng cao cảnh giác. Lực lượng công an cũng tham mưu cho UBND phường thành lập “Tổ xe ôm” phường Nguyễn Trung Trực”, gồm 116 thành viên, chia làm 4 nhóm, “đặt” quanh bến xe. “Những người “xe ôm” này đều được CAP bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, qua đó tích cực giúp lực lượng công an nhận diện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn, thường qua lại trạm trung chuyển này” - chỉ huy công an cơ sở cho hay.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, CAP Nguyễn Trung Trực thường xuyên tổ chức cắm chốt, phối hợp với bảo vệ dân phố luân phiên ứng trực công khai vào giờ cao điểm hàng ngày nhằm răn đe tội phạm. CAP còn phối hợp với Đội CSHS CAQ Ba Đình, các tổ công tác đặc biệt CATP Hà Nội lên phương án, phân công CBCS hóa trang, mật phục quanh khu vực, trên các tuyến xe buýt đông người, kịp thời phát hiện, bắt giữ các đối tượng trộm cắp. Qua 3 năm triển khai chuyên đề: “Vận động toàn dân tham gia phong trào xây dựng bến xe buýt an toàn”, lực lượng công an đã kịp thời bắt giữ hàng chục vụ đối tượng trà trộn giả làm hành khách để hoạt động trộm cắp móc túi. Thông qua công tác tuyên truyền, bắt giữ, ý thức cảnh giác, phòng ngừa tội phạm của nhân dân ngày càng được nâng lên, qua đó đã giảm đáng kể các vụ phạm pháp hình sự xảy ra tại nơi đây. Để duy trì, “nối dài” kết quả của chuyên đề này, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, bên cạnh sự chủ động của lực lượng công an, sự vào cuộc của đông đảo các ban ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các công ty xe buýt trong tuyên truyền, khuyến cáo, cảnh báo hành khách trên suốt hành trình xe chạy.