Bên trong thủ phủ buôn người ở Thổ Nhĩ Kỳ

ANTĐ - Izmir - một điểm đến du lịch nổi tiếng ở Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành trung tâm buôn bán người tị nạn Syria và những người di cư khác muốn vượt biển đến miền đất hứa Châu Âu. Trong những cửa hàng bán đồ tạp hóa trên đường phố, mặt hàng được bày bán nhiều nhất là áo phao và phao bơi.
Bên trong thủ phủ buôn người ở Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1

Áo phao, phao bơi được bày bán rất nhiều trong các cửa hàng tạp hóa ở Izmir

Dịch vụ kinh doanh áo phao, đổi tiền phát triển

Một vài tháng trở lại đây, khu phố Basmane, gần ga xe lửa chính của Izmir đã trở thành trung tâm buôn lậu, một điểm đến thu hút rất đông người di cư. Trong các cửa hàng, áo phao màu da cam, phao bơi đã thay thế những bộ bikini thường thấy trước đó. Bên ngoài lối ra vào của không ít cửa hàng treo băng-rôn với dòng chữ lớn: “Ở đây có đổi tiền”.

Người di cư phải trả tiền cho những tay buôn người bằng USD hoặc Euro, không phải tiền Thổ Nhĩ Kỳ. Ở Izmir vào thời điểm này, xuất hiện hàng nghìn người Syria và Iraq đi bộ trên các con phố. Đồ đạc duy nhất mà những người di cư mang theo thường là chiếc ba lô màu đen. Một số nằm ngủ vạ vật trên các bìa hộp các tông trải trực tiếp trên mặt đất.

Những người di cư có điều kiện thuê khách sạn hoặc nhà nghỉ giá rẻ ở Basmane chờ đợi cơ hội để di chuyển. Trong các hành lang khách sạn, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh quen thuộc là những người di cư gọi điện thoại để trấn an người thân thông qua WhatsApp, Skype hoặc Viber. Buổi tối, hàng trăm người di cư được đưa từ Izmir đến các bãi biển dọc theo bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ.

Lúc bình minh, họ lên thuyền bơm hơi hướng về phía các hòn đảo như Kos, Chios hoặc Samos. Khatar, người đã từng theo học tại Học viện Beaux-Arts ở Paris cho biết, anh đã tìm cách vượt biên 4 lần nhưng đều thất bại và giờ mắc kẹt tại khu nghỉ mát Izmir được 8 ngày. “Cảnh sát đang hoạt động rất ráo riết. Có quá nhiều người muốn tìm đến châu Âu vì vậy chúng ta phải kiên nhẫn”, Khatar nói.

“Cò” dịch vụ buôn người hoạt động rầm rộ

Haji “thông thái” xuất hiện tại một nhà hàng truyền thống kiểu Thổ Nhĩ Kỳ ở Izmir. Ông ăn mặc khá bảnh bao với chiếc đồng hồ hạng sang, nhẫn, lắc trên tay. Từ nhà hàng này chỉ mất khoảng 2 giờ lái xe tới những bãi biển, nơi hàng trăm người tị nạn lên tàu vào mỗi buổi tối. Amin, một cựu sinh viên ở Syria bước vào quán và Haji đã nhận thấy đây là khách hàng tiềm năng. “Tôi năm nay 64 tuổi và đã ở đây 15 năm. Cậu hoàn toàn có thể tin tưởng ở tôi”, ông Haji nói.

Ông Haji tiếp tục “tiếp thị” với chàng trai trẻ Amin bằng nhiều gói dịch vụ hấp dẫn. “Có rất nhiều cách di chuyển. Cậu có thể đi bằng thuyền hơi nhưng nếu muốn an toàn hơn thì hãy lựa chọn tàu chở hàng. Với 5.000 euro, cậu có thể được xếp chỗ ngồi trong cabin, cạnh người lái tàu”, ông Haji vừa nói vừa nháy mắt. “Nhưng nếu cậu sợ di chuyển bằng đường thủy thì cũng có thể vượt biên bằng ô tô với giá 2.500 Euro, sử dụng giấy tờ giả mạo. Chúng tôi có thể giúp cậu làm giấy tờ giả của Rumania, Bulgaria và Hy Lạp”, ông Haji nói tiếp.

Amin là sinh viên tại Đại học Damascus quyết định rời bỏ đất nước vì chiến tranh. Anh tình cờ gặp lại người bạn Khatar trong dòng người di cư đến châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ. Amin vẫn còn do dự chưa biết nên di chuyển bằng con đường nào. Anh nói rằng, những kẻ buôn người và “cò” môi giới dịch vụ xuất hiện ở Azmir “bu quanh người di cư như kền kền”.

AbouAmar từng là một trong số đó, anh được trả khoản tiền 1.000 Euro/tháng với vai trò môi giới buôn người, thường được gọi là “samsar”. Một đội hình gồm nhiều người Syria và Ai Cập làm việc cho tội phạm buôn người. Nhiệm vụ của họ là tìm cách tiếp cận, thuyết phục người di cư đăng ký các “gói dịch vụ” di chuyển, thu tiền, đưa người di cư đến những chiếc thuyền bơm hơi có động cơ “made in China”.

Abou Amar nói rằng, hoạt động đưa người di cư sang châu Âu do hàng chục tên mafia Thổ Nhĩ Kỳ cùng với một người Nga điều hành. Giá cả di chuyển bằng thuyền bơm hơi có động cơ thường là 1.100 Euro, tàu thủy là 2.300 euro. “Hiện tại, tôi không còn làm công việc thực sự kinh tởm này nữa. Những người di cư đã bán tất cả mọi thứ để được đến miền đất hứa châu Âu. Những tay buôn người, cán bộ hải quan tham nhũng đang đút túi số tiền rất lớn từ nỗi khổ của người di cư”, Abou Amar nói.