Bên tội, bên tình

ANTĐ - Gần đây, đã có nhiều vụ giao cấu với trẻ em xảy ra với tính chất ngày càng phức tạp. Thực tế cho thấy, một số vụ được các bên đương sự giải quyết theo góc độ “tình cảm”.

Điều đó có nghĩa là 2 bên tự thương lượng về mức độ nghiêm trọng của vấn đề xảy ra và cùng nhau tìm hướng giải quyết sao cho thỏa đáng như: đền bù danh dự, nhân phẩm cho “người bị hại” bằng một số tiền nhất định. Cũng có trường hợp khắc phục hậu quả bằng cách đôi bên cùng nín nhịn, chờ đến khi “đôi lứa” đến tuổi trưởng thành rồi “bên nguyên, bên bị” cùng chung sống với nhau.

Đó là những cách giải quyết về tình cảm và chưa bị các cơ quan thi hành pháp luật phát hiện, còn đa số các vụ giao cấu với trẻ em đều có kết cục bi đát. Trên thực tế, trong những vụ giao cấu với trẻ em đều xuất phát từ ý muốn của cả 2 phía và phần thiệt thòi nhiều nhất vẫn nghiêng về những giá trị bị đánh mất của cô gái chưa đến tuổi trưởng thành. Phải trả giá cho hành vi giao cấu với trẻ em, người phạm tội bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc bằng hình thức phạt tù, tùy theo mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Cho dù giải quyết bằng tình cảm, hay bằng pháp luật, thì những vụ giao cấu với trẻ em đều để lại nỗi đau, hằn trong ký ức sâu thẳm của những người trong cuộc và người thân của họ.

Để xảy ra tình trạng này, đáng trách nhiều nhất là các bậc làm cha mẹ đã thiếu trách nhiệm với con cái, không quan tâm chăm sóc, giáo dục và định hướng cuộc sống tương lai cho chúng. Có những vụ án giao cấu với trẻ em, “người bị hại” tuy chưa đến tuổi trưởng thành, nhưng được bố mẹ nuông chiều đã thường xuyên bỏ nhà đi “bụi”, tụ tập lang thang sống “bầy đàn” với đủ loại “bạn trai” tại các nhà nghỉ, khách sạn. Khi hậu quả xảy ra, những ông bố, bà mẹ có con gái sớm “trải nghiệm” với đời lại lu loa rằng con mình ngoan ngoãn, bị mắc bẫy. Tuy nhiên, khi điều tra các vụ án giao cấu với trẻ em, cơ quan công an đã phát hiện rất nhiều trường hợp “người bị hại” đã chủ động đưa “bạn tình” sập bẫy, chỉ vì những ham muốn tầm thường của đứa trẻ mới lớn.

Nhằm hạn chế đến mức tối đa tình trạng này, bên cạnh việc quản lý, giáo dục chặt chẽ con cái từ phía gia đình, các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội cần có những biện pháp tuyên truyền, giáo dục đồng đẳng về lối sống lành mạnh trong giới trẻ, đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên, đang chập chững bước vào đời.