Bên hành lang Quốc hội

ANTĐ - Bên hành lang kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu đã dành cho báo chí những cuộc trao đổi ngắn về những vấn đề nóng trong thời gian gần đây.

Không ai xóa bỏ được lịch sử
Trả lời về vấn đề Biển Đông, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm nói: “Quan điểm của chúng ta luôn luôn giải quyết vấn đề một cách hòa bình nhưng rõ ràng. Hai nữa, chúng ta dựa trên 2 cơ sở, một là luật pháp quốc tế - cái được cả thế giới thừa nhận, hai là công ước quốc tế về Luật Biển 1982 của LHQ. Những quy định này thể hiện rất rõ chúng ta có quyền về hàng hải, đặc quyền kinh tế trên vùng biển của mình.

Chúng ta phải làm rõ cho thế giới biết chủ quyền của chúng ta đã xác định từ lâu. Trường Sa và Hoàng Sa đều có từ lịch sử, không ai có thể xuyên tạc lịch sử được. Chúng ta phải làm cho không chỉ nhân dân ủng hộ mà thế giới cũng thấy rõ để ủng hộ lập trường của chúng ta trong việc giải quyết vấn đề này. Khi bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn họ sẽ ủng hộ quan điểm của mình thôi vì Việt Nam từ rất lâu đã có chủ quyền và thực thi chủ quyền đó ở vùng biển của mình. Vậy nên, thông tin tuyên truyền là rất cần thiết. Nếu làm tốt bạn bè quốc tế sẽ biết và ủng hộ mình. Thế giới càng ủng hộ thì không ai xâm phạm được. Tôi tin rằng lập trường của Việt Nam sẽ được ủng hộ. Dù là người ta có gây vấn đề gì phức tạp cũng không thể xóa bỏ được thực tế này”.

 

Miễn giảm thuế quan trọng hơn giãn thuế
Nói về khó khăn của doanh nghiệp trong tình hình hiện nay, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Cao Sỹ Kiêm khẳng định: Rất nhiều! ông nói: “Một chính sách riêng lẻ không thể giúp đỡ được họ. Thị trường đang thu hẹp lại nhưng giá thành sản xuất, lãi suất ngân hàng tăng lên. Doanh nghiệp thấy không có lãi, hoặc vay để sản xuất mà không có lãi thì tất nhiên họ sẽ không vay. Những vấn đề này dồn doanh nghiệp vào chỗ hết sức khó khăn.

Thế nên chúng ta phải triển khai đồng bộ các giải pháp để giúp doanh nghiệp. Ví dụ như miễn giảm, giãn thuế, giảm lãi suất, giúp tìm thị trường, quảng bá thương hiệu, triển khai các thủ tục nhanh hơn, hỗ trợ cho họ tháo gỡ các khó khăn không phải do họ gây nên. Thế nên, chủ trương miễn giảm thuế là rất hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Tôi cho là miễn giảm thuế quan trọng hơn việc giãn thuế. Chính phủ đề xuất giãn thuế 6.200 tỷ đồng không nộp năm nay nhưng sang năm các doanh nghiệp cũng phải nộp. Những doanh nghiệp được giãn thuế là những doanh nghiệp khó khăn, sang năm họ phải nộp thì lại càng khó khăn. Vì thế, nên miễn, giảm luôn 6.200 tỷ đồng thuế chứ không nên áp dụng việc giãn thuế”.