"Bến cóc" trên tuyến đường kiểu mẫu Lê Trọng Tấn

ANTĐ - Tại một “bến cóc” hình thành ngay đầu tuyến đường kiểu mẫu Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội), chiếc xe giường nằm cỡ lớn chạy tuyến Hà Nội – Thanh Hóa đã ngang nhiên hoạt từ nhiều tháng nay mà chưa bị lực lượng chức năng xử lý.

Chiếc xe khách giường nằm đỗ gọn trong sân bóng đầu đường Lê Trọng Tấn (ảnh:PK)

Kính trước chiếc khách cỡ lớn BKS: 36B-01133 (đỗ trong khu vực sân bóng cạnh Bảo tàng Phòng không - Không quân, cách đầu đường Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) chỉ vài trăm mét) có tấm biển “Xe chở công nhân viên” nhưng không đề của công ty nào. Tuy nhiên, chạy dọc sườn xe lại ghi hàng chữ to tướng “Xe giường nằm cao cấp”. Có lẽ, đây là xe giường nằm cao cấp duy nhất dùng để chở “chở công nhân viên” ở Hà Nội!

Theo quan sát của phóng viên, không giống với tất cả các “Xe chở công nhân viên” khác, chiếc xe này tới khu vực sân bóng nói trên từ khoảng 6h sáng và mãi gần trưa mới dời đi. Hành khách lên xe hoàn toàn không phải “công nhân viên” mà có đủ loại lứa tuổi, từ trẻ em còn ẵm ngửa tới người già và đều mang theo hành lý là những chiếc ba lô, vali lớn nhỏ đủ kích cỡ... 11h20 chiếc xe này rời sân bóng ở đầu đường Lê Trọng Tấn nói trên, rẽ ra đường Trường Chinh, chạy qua đường Giải Phóng, xuôi xuống đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ... Suốt hành trình trên, chiếc xe không gặp phải sự kiểm tra nào của lực lượng chức năng.

Hành khách lên xe mang theo nhiều hành lý... (ảnh:PK)

"Bến cóc" trên tuyến đường kiểu mẫu Lê Trọng Tấn ảnh 3

... và thuộc đủ lứa tuổi, thành phần (ảnh:PM)

Theo phản ánh của người dân trong khu vực, xe giường nằm BKS: 36B-01133 nói trên thực chất là xe khách chạy tuyến Hà Nội – Thanh Hóa hàng ngày. Xe từ Thanh Hóa về tới “bến cóc” ở đầu đường kiểu mẫu Lê Trọng Tấn vào khoảng 5h30 tới 6h sáng hàng ngày, chờ đón khách ở trong “bến cóc” tới khoảng 11h – 11h30 sẽ chuyển bánh theo hành trình Hà Nội - Thanh Hóa. Đáng chú ý, “bến cóc” này đã hoạt động từ nhiều tháng nay ngay trước mặt các lực lượng chức năng.

Xe chầm chậm rời "bến" vào giữa trưa khi đã "bắt" đủ khách (ảnh:PK)

Tuyến đường kiểu mẫu Lê Trọng Tấn dài hơn 1.500m, mặt cắt ngang gần 30m, có tổng mức đầu tư hơn 220 tỷ đồng. Đây là tuyến đường xây dựng đồng bộ với hệ thống vỉa hè được xây dựng bằng vật liệu có độ bền cao; có phần đường cho người khuyết tật; chiếu sáng bằng đèn LED, tiết kiệm điện năng; đường dây điện, cáp viễn thông được hạ ngầm trên toàn tuyến; hệ thống cây xanh được lựa chọn phù hợp với đô thị…

Thành phố đã đầu tư rất nhiều thời gian, công sức để chỉnh trang đô thị trên tuyến đường này, với mục tiêu xây dựng mô hình điểm để có thể nhân rộng tại các công trình giao thông khác trên địa bàn trong thời gian tới.