Mùa xuân Tây Bắc và những dấu chân thầm lặng nơi biên cương... (Bài 1)

Bền bỉ bám chốt, âm thầm chịu đựng gió sương để ngăn Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo chương trình phối hợp tuyên truyền với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, những ngày cuối tháng 3, những nhà báo của TP Hà Nội lại may mắn được lên Tây Bắc để tận mắt thấy và cảm nhận mùa xuân đặc biệt của những người lính biên phòng. Ngày xuân của các anh là điểm chốt, là cột mốc, đường biên và những chốt kiểm soát, ngăn chặn Covid-19 nơi những con đường mòn sát biên giới để canh cho dân từng giấc ngủ bình yên…

Những ngày tháng 3, miền Tây Bắc Tổ quốc, giữa đại ngàn, mùa xuân hoa ban nở trắng rừng; những rừng hoa đào chen mây, bừng sáng... Trong phong cảnh tuyệt đẹp nơi biên cương ấy, hình ảnh những người lính mang quân hàm xanh âm thầm chịu đựng gió sương, bền bỉ cắm chốt ở mọi đường mòn lối nhỏ để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh từ biên giới hay lặng lẽ đối mặt nguy hiểm trấn áp tội phạm ma túy và bám bản cùng bà con sẻ chia khó khăn, cùng xây dựng cuộc sống mới… là khúc ca vang mãi về những người lính Cụ Hồ nơi phên dậu Tổ quốc.

Chốt tuần tra kiểm soát phòng ngừa Covid-19 ở Lếch Cuông, đồn biên phòng Thanh Luông tỉnh Điện Biên

Chốt tuần tra kiểm soát phòng ngừa Covid-19 ở Lếch Cuông, đồn biên phòng Thanh Luông tỉnh Điện Biên

Giao thừa đặc biệt trên chốt

Dọc theo trục đường bê tông dài gần 30km từ TP Điện Biên, chúng tôi có mặt tại Đồn Biên phòng Thanh Luông vào lúc gần trưa. Ở độ cao gần 1.000m, ở đây đất đai khô cằn, thời tiết khắc nghiệt. Trên đầu đầy mây mù, sau lưng là vực thẳm, sông sâu… Đồn Biên phòng Thanh Luông, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đóng quân tại địa bàn xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Đồn được giao nhiệm vụ quản lý 13km đường biên trên tuyến biên giới Việt - Lào với 7 cột mốc chủ quyền thuộc địa giới hành chính của 3 xã là Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Nưa. Địa bàn quản lý của Đồn gồm 73 thôn, bản trải dài trên địa hình phức tạp, bị chia cắt, giao thông đi lại hạn chế; dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số như Thái, Khơ Mú, Dao…

“Đặc sản” đầu tiên của Tây Bắc phải nói đến đó là những con đường đèo và những khúc cua vặn tay lái đến chéo cả hai tay… Chúng tôi được ưu tiên hành quân bằng chiếc xe bán tải 5 chỗ lên một trong 3 chốt kiểm soát và ngăn chặn Covid-19 của lực lượng bộ đội biên phòng cách đồn khoảng 15km. Đường lên chốt kiểm soát dịch ở bản Lếch Cuông, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên mới trải qua cơn mưa càng thêm khó đi. Nằm khiêm tốn giữa núi rừng bao la, chốt kiểm soát Covid-19 chỉ rộng hơn 20m vuông với một buồng nhỏ làm chỗ ăn ngủ được quây tôn. Trong “căn nhà” đặc biệt ấy những vật dụng thường ngày được xếp ngăn nắp, chăn màn vuông vức. Như người lính vẫn tự hào “kỷ luật được đảm bảo đến từng centimet vuông”. Ngay sát là vườn rau thanh niên để bộ đội tăng gia.

Thiếu tá Phạm Ngọc Tuyên - Chính trị viên Đồn Biên phòng Thanh Luông chỉ vào “ngôi nhà” và cho chúng tôi biết: “Từ đầu năm 2020, khi bắt đầu có những ca bệnh Covid-19 đầu tiên, đồn đã thành lập 3 chốt kiểm soát dịch ở các điểm có lối mở đường mòn trọng điểm và một chốt kiểm soát cơ động với lực lượng tinh nhuệ nhất. Lúc đầu chốt là nhà bạt, bộ đội dựng tạm, lúc nào cũng tràn gió, mưa lạnh buốt. Được sự quan tâm của Bộ Tư lệnh Bộ Đội biên phòng các chốt mới được kiên cố hóa bằng nhà quây tôn. Anh em cũng đỡ vất vả đi nhiều”.

Thiếu tá Trần Thế Lực (nhân viên trinh sát Đồn Biên phòng Thanh Luông), Chỉ huy chốt kiểm soát dịch Covid-19 Lếch Cuông - người bám chốt từ ngày đầu nhớ lại đêm Giao thừa vừa qua ở chốt thật đặc biệt. Bánh chưng từ đơn vị chuyển lên. Bình hoa rừng vẫn đọng sương trên cánh hoa…

Những người lính quán triệt sâu sắc, tuyệt đối không được lơ là, mất cảnh giác, kiên quyết bám chốt 24/24h đảm bảo bình yên biên giới cho người dân vui xuân, đón Tết. Cán bộ chiến sĩ tranh thủ thời khắc Giao thừa, nghiêm trang nghe Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chúc Tết và thắp nén hương ở bàn thờ Bác Hồ trên chốt rồi ăn vội mỗi người miếng bánh chưng và cắt cử ứng trực như ngày thường. Giao thừa của người lính biên cương chỉ gói gọn trong chưa đến 5 phút nhưng vẫn thật thiêng liêng và xúc động.

“Tôi ở chốt đã hơn một năm. Vợ con đều ở quê tận Thái Bình. Thi thoảng chỉ biết gọi điện về động viên là ở nhà cứ yên tâm. Đi lại cũng xa, vất vả, cứ đợi anh/đợi bố về thôi… Lần nào cũng chỉ biết nói vậy. Thời tiết ở đây đêm, ngày chênh lệch nhau nhiều. Ngày có lúc nắng cháy da thịt, nhưng đêm nhiệt độ chỉ còn 4-5 độ C. Hiện, bắt đầu vào mùa gió Lào, từng cơn gió thổi qua là mang lại từng cơn mệt mỏi. Ở đây cũng giống mọi chốt biên giới khác, thiếu nhất vẫn là nước sạch để sinh hoạt. Anh em hàng ngày phải phân công nhau đi hơn 3km đến “mó nước” lấy nước sinh hoạt về dùng. Chúng tôi động viên nhau nỗ lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ bởi sau lưng là đồng bào, để dịch bệnh lọt vào thì đời sống sẽ rất khó khăn”, Thiếu tá Trần Thế Lực nói.

Có mặt ở mọi nẻo đường biên giới

16h chiều, sương mù đã dày đặc, càng làm các con đường mòn khó thấy lối đi, chiến sĩ trẻ Sùng A Tô chuẩn bị cùng các đồng đội tổ chức tuần tra kiểm soát người và phương tiện khu vực biên giới. Những chiếc đèn pin đội đầu đã mòn đi về sương gió được kiểm tra kỹ càng. Mỗi chuyến tuần tra thường kéo dài từ 3 đến 6 tiếng. Những bước chân người lính âm thầm có mặt ở khắp những đường mòn biên giới.

Vừa kiểm tra lại quân tư trang lần cuối trước lúc tuần tra, Sùng A Tô vừa chia sẻ: “Đối với anh em lính Biên phòng, ăn ngủ trong rừng là bình thường, khó khăn vất vả thế nào cũng chịu được. Đâu chỉ có chúng tôi, ngày đêm bao nhiêu đồng đội đều có mặt ở mọi nẻo đường biên giới”.

Câu nói của người lính trẻ thật ngắn nhưng làm tôi không ngừng suy nghĩ. Cái sự giản đơn của người lính khiến tôi thấy cảm phục. Ngoài kia đường tuần tra đầy ẩm ướt, vai các anh gánh cái lạnh giá của đêm rừng. Sau lưng là chất chứa những tâm sự, những cảm xúc đời thường được gói ghém lại nhường chỗ cho trách nhiệm thiêng liêng của người lính biên cương…

“Đội hình trinh sát, mỗi đồng chí cách nhau 3m, hướng đi về biên giới, tốc độ… khởi hành”, Tổ trưởng Tổ Tuần tra ra khẩu lệnh. Những người lính quân hàm xanh cùng dân quân địa phương lại lên đường tuần tra. Chuyến tuần tra này sẽ trở về chốt khoảng 10h đêm, nếu không gặp cơn mưa rừng bất chợ…

Trong buổi chiều, người dân vẫn đi lại qua chốt để lên nương làm việc. Anh Lò Văn Phong tươi cười chào những người lính biên phòng. Sát khuẩn tay và khai báo y tế, anh Phong chia sẻ: “Nhà tôi trồng cây chanh ở cách chốt này 1km. Bình thường cứ 2 ngày tôi về bản lấy lương thực thực phẩm một lần. Bộ đội đi tuần tra cũng hay ghé qua nương thăm hỏi, cho cả đồ dùng thiết yếu. Bộ đội nói dân tin lắm, ở bản nhà nào cũng dặn dò nhau không được xuất cảnh trái phép. Gặp người lạ sát biên giới thì báo ngay cho bộ đội. Dịch bệnh mà xuất hiện thì đói ngay, phải chung tay với bộ đội để phòng dịch”.

“Mặt trận” chống dịch Covid-19 còn nhiều khó khăn, chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Ở đây, những câu chuyện cả năm bám chốt, không về quê ăn Tết, con sinh ra đến sinh nhật vẫn chưa thấy mặt bố, những lời nhắn nhủ đến cay mắt của mẹ già con thơ… trở thành bình thường như những con đường biên giới không tên dốc lên ngược mặt người và hai bên lúc nào cũng nở những bông hoa rừng với sức sống mãnh liệt vượt qua gian khó mà tỏa hương…

Ngày xuân của những người lính biên phòng là điểm chốt, là cột mốc, đường biên và những chốt kiểm soát, ngăn chặn Covid-19 nơi những con đường mòn sát biên giới để canh cho dân từng giấc ngủ bình yên… Ảnh: PHÚ KHÁNH

Ngày xuân của những người lính biên phòng là điểm chốt, là cột mốc, đường biên và những chốt kiểm soát, ngăn chặn Covid-19 nơi những con đường mòn sát biên giới để canh cho dân từng giấc ngủ bình yên… Ảnh: PHÚ KHÁNH

Phó Bí thư chi bộ xã biên giới mang quân hàm xanh

Đi từ chốt kiểm soát dịch Covid-19 ra, Thiếu tá Phạm Ngọc Tuyên - Chính trị viên, Đồn Biên phòng Thanh Luông quyết định đột ngột đưa chúng tôi đến thăm bản Hua Pe, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên (Điện Biên) - nơi cán bộ đồn biên phòng đang cùng sinh hoạt chi bộ với các đảng viên người dân tộc Khơ Mú ở bản.

Bí thư chi bộ bản Hua Pe, bà Lường Thị In cho biết, ở khu vực biên giới như Hua Pe, 100% là người Khơ Mú, thì việc có được chi bộ riêng là cả một quyết tâm lớn bao nhiêu năm nay của Đảng ủy xã và các đảng viên trong bản. Kể một loạt các câu chuyện về bộ đội biên phòng giúp dân xóa đói, giảm nghèo thành công, bà In phấn khởi khoe: “Bản mình cũng là điểm sáng về phòng chống Covid-19 nhé”.

Bà Lường Thị In tâm sự: “Đại úy Trần Ngọc Dũng (cán bộ Đồn Biên phòng Thanh Luông), Phó bí thư Đảng ủy xã Thanh Luông thường xuyên bám bản cùng nhân dân. Họp chi bộ với chúng tôi rất thiết thực. Những nghị quyết mới, những cách làm hay đều được phổ biến kịp thời, dễ hiểu. Trong công tác phòng chống Covid-19, đảng viên phải là người đi đầu. Sau những cuộc họp, những đảng viên đã về tuyên truyền để bà con không đi thăm thân bên kia biên giới, hoặc tạm không xuất cảnh để chủ động phòng dịch. Bộ đội cùng chúng tôi phát tờ rơi, cấp phát và hướng dẫn cách sử dụng khẩu trang; dùng loa tuyên truyền cơ động trên các trục đường, đến từng nhà tuyên truyền cho bà con nhân dân hiểu rõ về dịch Covid-19, cách phòng tránh, không tụ họp đông người, vận động các hộ gia đình chấp hành tốt việc tổ chức đám ma, đám cưới trong mùa dịch đúng quy định, đặc biệt là không tiếp nhận những thông tin xấu độc, sai sự thật về tình hình dịch bệnh. Nhờ đó, dân bản không chỉ tin tưởng vào các giải pháp quyết liệt của Đảng và Nhà nước mà còn chung tay với bộ đội phòng dịch thật tốt”.

Trên đường về đồn, Thiếu tá Phạm Ngọc Tuyên kể cho chúng tôi nghe về sự tích hoa ban - người con gái tên Ban xinh đẹp nết na với giọng hát làm mê đắm lòng người đã chết bên suối để đi tìm người yêu… Từ đó, cứ mỗi độ xuân sang, khắp núi rừng Tây Bắc đã mọc lên một loài cây ra hoa trắng muốt. Dân bản liền gọi là hoa ban và coi đó là loài hoa tượng trưng cho tình yêu chung thủy.

Đặc biệt, ở cổng đồn Biên phòng Thanh Luông, có một cây hoa ban đang nở thật đẹp. Trong cả khu vực, chỉ riêng cây hoa ban ở đồn biên phòng có màu tím. Màu tím biếc thủy chung son sắt như sự sẵn sàng hy sinh và tấm lòng trung kiên của bộ đội với đồng bào và từng mét đất biên giới Tổ quốc thân yêu…

(Còn tiếp)