Bé gái 10 ngày tuổi bị bỏ rơi ở bụi tre, dòi, kiến bâu đầy người

ANTĐ - Ngày 3-7, bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk cho biết, khoa Hồi sức cấp cứu Nhi sơ sinh vừa tiếp nhận một bé gái khoảng 10 ngày tuổi, nặng 2,9kg, trong tình trạng trên người nhiều vết trầy xước, côn trùng cắn, 2 tai có mủ và dòi, phù nề bộ phận sinh dục, phản xạ kém, khóc yếu, không bú được.
Bà Nguyễn Thị Tuyết (56 tuổi, trú tổ dân phố 22, phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột) cho biết, khoảng 14h ngày 2-7, bà cùng con gái là chị Trương Thị Mỹ Hạnh (32 tuổi) xuống vườn cách nhà khoảng 100m để hái măng thì nghe tiếng khóc của trẻ em phát ra từ phía bụi tre.

Hai mẹ con bà Tuyết lần theo tiếng khóc tìm kiếm, thấy có một khoảng đất được phủ bằng nhiều cành cây sắn. Đến gần gạt bỏ cành cây, mẹ con bà phát hiện một bé gái đang khóc yếu ớt, nằm trong một chiếc chăn mỏng. Dở chăn ra, mẹ con bà Tuyết hoảng hốt khi thấy cháu bé không mặc quần áo, da tím tái, kiến cắn đỏ khắp người và trong tai có dòi bâu. 

Bé gái 10 ngày tuổi bị bỏ rơi ở bụi tre, dòi, kiến bâu đầy người ảnh 1
Bé gái bị bỏ rơi hiện đang được điều trị tại bệnh viện


Ngay lập tức, mẹ con bà Tuyết đưa bé gái về nhà tắm rửa, lấy dòi trong tai, cho uống sữa, rồi báo với CAP Tân Lập, sau đó đưa cháu bé đến bệnh viện đa khoa Đắk Lắk cấp cứu.

“Mới nhìn thấy cháu bé dòi bâu nhung nhúc, tôi giật mình, hốt hoảng, nhưng thấy cháu còn khóc, còn thở nên mẹ con tôi vội vàng đưa cháu về nhà, lấy nước ấm tắm rửa cho bớt dòi rồi đưa đi bệnh viện mong sao cứu sống được cháu bé”, bà Tuyết nói. 

Bác sĩ Lê Đình Nhân – Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Nhi sơ sinh cho biết, khoảng 15h40 ngày 2-7, khoa đã tiếp nhận bé gái khoảng 10 ngày tuổi, nặng 2,9kg, trong tình trạng trên người nhiều vết trầy xước, côn trùng cắn, 2 tai có mủ và dòi, phù nề bộ phận sinh dục, phản xạ kém, khóc yếu, không bú được.

Bé gái 10 ngày tuổi bị bỏ rơi ở bụi tre, dòi, kiến bâu đầy người ảnh 2
Nơi bé gái bị bỏ rơi


Các bác sĩ trong khoa tiến hành vệ sinh, sát trùng các vết thương, tiếp tục lấy mủ và dòi ở tai, truyền dịch nuôi dưỡng kháng sinh phù hợp cho bé. Sau 20 giờ điều trị, nhờ được cấp cứu kịp thời bé đã linh hoạt hơn, da môi hồng hào, không còn phải thở ôxy, đã có thể bú được, các vết chấn thương cũng như phù nè đã giảm dần. Hiện tại, cháu bé đang được truyền dịch, nuôi dưỡng, bơm sữa qua xông dạ dày và đang dần hồi phục.
Bà Tuyết cho biết thêm, gia đình bà sẽ trả toàn bộ chi phí điều trị và đưa cháu bé về nhà nuôi sau khi sức khỏe cháu bình phục, nếu không tìm thấy người thân, không ai nhận, bà sẽ làm thủ tục nhận cháu bé làm con nuôi.