Bê bối nghe lén từ Âu sang Á

ANTĐ - Trong khi bê bối nghe lén của News of the World ở nước Anh khiến tờ báo dù đã bị đóng cửa nhưng vẫn kéo theo bao hệ lụy khác, thì vụ việc tương tự đối với KBS - đài truyền hình lớn nhất Hàn Quốc lại dấy lên trong dư luận.

Ngày 23-6, các thành viên chủ chốt đảng Dân chủ đối lập họp kín thảo luận về các chiến lược phản đối nâng phí xem truyền hình. Chỉ một ngày sau, những gì được thảo luận trong cuộc họp bí mật ấy đã được hạ nghị sĩ Han Sun-kyo của đảng Đại dân tộc tiết lộ trong một phiên họp toàn thể của Ủy ban Phát thanh và văn hóa Quốc hội. Đảng Dân chủ lập tức trình đơn khiếu nại lên cảnh sát.

 Kênh truyền hình lớn nhất Hàn Quốc “đau đầu” với cáo buộc nghe lén
 Kênh truyền hình lớn nhất Hàn Quốc “đau đầu” với cáo buộc nghe lén

Đảng Dân chủ đã cáo buộc một phóng viên 33 tuổi của đài KBS, có họ là Jang, đã đặt điện thoại nghe trộm cuộc họp kín trên. Cảnh sát hôm 8-7 đã đột kích nhà riêng của phóng viên Jang, tịch thu máy tính xách tay, điện thoại và các vật chứng khác. Cảnh sát sau đó phát hiện được rằng máy tính và điện thoại di động không có tác dụng gì cho cuộc điều tra của họ vì phóng viên Jang bắt đầu dùng điện thoại mới vào ngày 29-6 và máy tính xách tay mới vào 30-6. Jang nói đã tình cờ đánh mất điện thoại và laptop.

Trong khi đó, cảnh sát đã yêu cầu nghị sĩ Han Sun-kyo, người tuyên bố có bản sao tài liệu nghe lén này, trình diện tại Sở cảnh sát Seoul để thẩm vấn về vụ bê bối nghe lén này. Đảng Dân chủ nộp đơn kiện nghị sĩ Han hôm 1-7 với cáo buộc vi phạm Luật Bảo vệ bí mật thông tin.

Về phía mình, đài truyền hình KBS tuyên bố “một người thứ ba” có mối liên hệ với đảng Dân chủ giúp lấy những thông tin trong buổi họp kín đó và nhấn mạnh rằng họ không thể tiết lộ nguồn tin để bảo vệ người đó. KBS còn lên án cuộc điều tra như “một sỉ nhục đối với đài và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do báo chí”. Đài này cũng nhấn mạnh rằng họ không bao giờ ra lệnh cho bất kỳ phóng viên nào của đài đi đặt máy nghe trộm và sẽ hành động về mặt pháp lý.

Cho dù ở bất cứ trường hợp nào, nghe lén là việc không thể tha thứ. Đó là lý do tại sao luật pháp kêu gọi cảnh sát và các nhân viên tình báo phải được tòa án phê chuẩn khi nghe lén nhằm thực thi pháp luật và vì mục đích an ninh quốc gia.

 Trước đây, tòa án Hàn Quốc từng kết tội 2 phóng viên của đài truyền hình MBC về việc nghe lén cuộc hội thoại có ý hối lộ giữa Tập đoàn Samsung và các chính trị gia. Nhưng đối với trường hợp của đài KBS lần này lại khác. Việc nghe lén này nếu có xảy ra là vì lợi ích của tập đoàn, không phải lợi ích công cộng hay lợi ích quốc gia. Nếu đài này bị phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, điều này vi phạm đến nền tảng đạo đức nghề nghiệp. Trong trường hợp đó, KBS đang xúc phạm công chúng và thu hẹp phạm vi tự do báo chí. Và cách tốt nhất giảm thiểu thiệt hại cho KBS là làm rõ sự thật và xin lỗi công chúng nếu cần thiết.

Mặc dù cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục nhưng các nhà phê bình cảnh báo việc các tổ chức truyền thông đang lạm dụng sức mạnh của mình sẽ phải đối mặt với những hậu quả tương tự như tờ News of the World của Anh. Tờ báo 168 năm tuổi của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch đã phải đóng cửa sau các cáo buộc nghe lén và các hoạt động phi pháp khác.

Bàn về vấn đề này, giáo sư Kim Chun-sik của khoa báo chí trường Đại học Hankuk cho biết, điều quan trọng là giới truyền thông phải đưa tin một cách có đạo đức.