Bé 4 tuổi nhảy lên giường, ngã trật khớp háng

ANTĐ - Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, tuần qua, BV vừa tiếp nhận và điều trị cho một bé trai 4 tuổi bị trật khớp háng do chấn thương khá hi hữu.
 Phim chụp khớp háng của bé (ảnh nguồn BV Nhi Đồng 2)

 Phim chụp khớp háng của bé (ảnh nguồn BV Nhi Đồng 2)

Theo lời người nhà của bé, cách đây gần 1 tháng bé nhảy lên giường, chẳng may trượt chân té ngã. Sau ngã, bé đau vùng khớp háng bên trái và không đi lại được. Người nhà có cho bé đi bó thuốc nam, nhưng 1 tháng trôi qua mà bệnh của bé không cải thiện, bé vẫn không đi được, chỉ nằm trên giường và chỗ đau khớp háng bên trái tuy có giảm nhưng không hết nên người nhà phải đưa bé đi khám. Tại bệnh viện, qua thăm khám và chụp Xquang khung chậu, bác sĩ phát hiện bé bị trật khớp háng bên trái.

Bé đã được nhập viện nắn lại khớp háng và bó bột sau đó. Các bác sĩ tại đây cho biết, đây là 1 trường hợp trật khớp háng sau chấn thương rất hi hữu vì sau 1 tháng, thông thường ổ cối (là nơi chứa đầu xương đùi bị trật) và bản thân đầu xương đùi sẽ xơ hóa, viêm dính với mô xung quanh rất nhiều khó mà nắn vào được.

Các bác sĩ cũng cho biết, trật khớp háng do chấn thương ở trẻ em là 1 bệnh lý khá hiếm gặp (chỉ chiếm 5% trong các bệnh lý khớp háng ở trẻ em) và thường gặp ở bé trai hơn bé gái, chân trái bị trật nhiều hơn chân phải và thường liên quan đến tình trạng khớp háng lỏng lẻo có sẵn của bé.

Khi bị trật khớp háng thì nên được nắn lại càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng có thể xảy ra sau này như hoại tử chỏm xương đùi, viêm khớp sau chấn thương, trật tái phát, tổn thương dây thần kinh hông. Thời gian phát hiện và nắn càng sớm thì khả năng nắn khớp háng vào lại được càng cao. Những trường hợp đến muộn có khi phải mổ nắn trật rất phức tạp. Do đó, các bậc phụ huynh nên chú ý và nên đưa trẻ đi khám nếu sau 1 chấn thương mà trẻ đi khó, không đi được hoặc than đau nhiều vùng khớp háng để tránh các trường hợp phát hiện muộn của trật khớp háng.