“Bẫy” rủi ro kinh tế

ANTĐ - Nền kinh tế thế giới lại có dấu hiệu hồi phục từ tín hiệu khả quan của nền kinh tế Mỹ cũng như kinh tế các quốc gia phát triển trên toàn cầu, song vẫn cần cảnh giác với "bẫy" rủi ro kinh tế.

Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại St Peterburg trong tháng 9 này
sẽ thảo luận vấn đề rủi ro nền kinh tế toàn cầu

Báo cáo mới nhất công bố ngày 4-9 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định rằng các nền kinh tế phát triển nhất thế giới sẽ có sự phục hồi và là động lực chính trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, định chế tài chính hàng đầu thế giới này cũng cảnh báo về việc kinh tế các nước mới nổi vốn giữ vai trò động lực quan trọng với kinh tế toàn cầu thời gian vừa qua lại có nguy cơ bị chậm lại do chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ.

Vì vậy, trong báo cáo nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) họp tại St Petersburg (Nga) trong tháng 9 này, IMF đã kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu tăng cường hành động để khôi phục sự phát triển và quản lý rủi ro, đồng thời cảnh báo rằng nguy cơ sụt giá đang ngày một rõ nét hơn. Theo IMF, các nền kinh tế mới nổi đã xuất hiện dấu hiệu “đặc biệt dễ bị tổn thương” do việc thắt chặt chính sách tiền tệ của nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ. 

Những cảnh báo của IMF diễn ra trong bối cảnh có không ít quan ngại về sự chững lại của "đầu tàu" các nền kinh tế mới nổi, nhất là Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. Không chỉ liên tiếp bị IMF và Ngân hàng thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng trong năm nay mà bản thân Trung Quốc cũng nhìn nhận kinh tế nước này đang đối mặt với ngày càng nhiều rủi ro do nợ ngân hàng tăng cao và mối quan ngại đặc biệt nằm ở các khoản vay dành cho chính quyền địa phương và khu vực bất động sản.

Các số liệu thống kê của Trung Quốc cho thấy, trong khi các ngân hàng đã phải gia hạn các khoản nợ tính tới cuối năm 2012 lên tới trên  7.750 tỷ Nhân dân tệ (1.200 tỷ USD) và chỉ riêng các khoản vay mới cho bất động sản đã lên tới 981 tỷ Nhân dân tệ thì các chính quyền địa phương nợ tới 10.700 tỷ Nhân dân tệ, tương tương 27% GDP của Trung Quốc. Đây là những nhân tố tiềm ẩn rủi ro mà nếu mất kiểm soát sẽ đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vào khủng hoảng như từng xảy ra ở Mỹ và các nước châu Âu.

Bên cạnh những tác động tiêu cực từ việc các nền kinh tế vốn là thị trường xuất khẩu và đầu tư lớn của thế giới là Mỹ và châu Âu thắt chặt chính sách tài chính để đối phó với khủng hoảng nợ công, thâm hụt ngân sách, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng tại phần lớn các quốc gia nhóm G-20, trong đó Eurozone lên tới trên 12%, Mỹ gần 8%... khiến cả thế giới phải lo ngại. Tỷ lệ thất nghiệp quá cao ở các nước G-20 được coi là một nguy cơ với sự phục hồi vốn còn mong manh của kinh tế toàn cầu.

Hối thúc lãnh đạo các nước đẩy mạnh nỗ lực khôi phục kinh tế và quản lý rủi ro trong giai đoạn hậu “bão” tài chính 2007-2009, giới quan sát tin rằng các nhà lãnh đạo G-20 sẽ ưu tiên tìm kiếm mọi khả năng nhằm giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Được biết, hiện tất cả các nước thành viên G-20 đã thống nhất tiếp tục nâng cao cảnh giác và giữ vững cam kết của mình nhằm tránh mọi rủi ro cản trở quá trình hồi phục kinh tế toàn cầu, đồng thời nhất trí tìm kiếm mọi đồng thuận cũng như tăng cường hợp tác chính trị và kinh tế giữa các khu vực trên toàn thế giới.