Bảy ngày vòng quanh Australia (1): Bí ẩn núi thiêng Uluru - Hòn đá giời ban

ANTĐ - LTS: Khi tôi hỏi một người Việt Nam, bạn hình dung thế nào về Australia, câu trả lời ngay lập tức sẽ là những ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên bát ngát xanh tươi, hoặc những chú chuột túi đang giương đôi mắt ướt dõi theo một chiếc xe bán tải cuốn bụi đỏ au lao đi trên con đường lầy sỏi. Cái mênh mông của quốc đảo 7,6 triệu km2 luôn luôn hàm chứa những mời gọi, những thôi thúc khám phá của những người đam mê du lịch. Và quả thật, “Vùng đất phía Nam bí ẩn” - Australia, như cách gọi của những nhà địa lý từ thời Roma cổ đại, luôn có những bất ngờ dành cho du khách. Hãy cùng khám phá Australia.

Bảy ngày vòng quanh Australia (1): Bí ẩn núi thiêng Uluru - Hòn đá giời ban ảnh 1

Những con đường phẳng lỳ và đỏ au là đặc trưng của vùng trung tâm Australia

Mỗi quốc gia thường có một thứ rất độc đáo để tự hào. Người Trung Quốc thường nói đầy tự hào về Vạn Lý Trường Thành rằng “bất đáo Trường Thành phi hảo hán”. Còn với người Australia, chưa đặt chân tới núi thiêng Uluru thì cho dù dấu chân bạn đã có ở khắp các tiểu bang đất nước Australia rộng lớn, bạn vẫn chưa hẳn đến đất nước đặc biệt này. 

Vậy nên, chúng tôi chọn hành trình của ngày thứ nhất trong chuyến du lịch khám phá này bằng cách đi thẳng vào sa mạc nóng bỏng Australia. Vượt qua cái nắng của mùa hè thiêu đốt và đất đỏ dưới chân đã được nung tới 45 độ C, chúng tôi tìm về vùng núi thiêng Uluru.

Giữa sa mạc rộng lớn và bằng phẳng ở trung tâm Australia, núi cát (sandstone) Uluru nổi bật không chỉ bởi tầm vóc và màu sắc.

Kỳ lạ nhất, là giữa một vùng sa mạc hơn 1,5 triệu km2 chỉ toàn sỏi và cây bụi bỗng dưng mọc lên một hòn đá cao 350m, với chu vi gần 10 km và cứ mỗi buổi hoàng hôn hay lúc rạng đông, màu sắc của hòn đá giời ban lại chuyên sang một màu đỏ rực, giống như một miếng mặt trời vừa rụng xuống nơi này.

Buổi trưa giữa cái nóng 45 độ ở Trung tâm nước Úc

Trái ngược với vành đai ven biển của Australia, nơi thiên nhiên ban tặng những ưu ái về thời tiết và khí hậu và nhanh chóng trở thành không gian sống của những di dân từ châu Âu. Vùng sa mạc Australia vẫn là vùng đất của người thổ dân, những chủ nhân thực sự của quốc đảo kỳ lạ từ khoảng hơn 40 ngàn năm trước.

Núi thiên Uluru vốn là cấm địa của người Anangu. Năm 1985, sau hàng thập kỷ tranh đấu, Uluru và vùng phụ cận đã được chính phủ Liên bang Australia quyết định trả lại cho bộ tộc này. Sau đó, vùng Công viên bảo tồn Uluru được Chính phủ thuê lại từ người Anangu trong thời hạn 90 năm, để tiếp tục khai thác du lịch.

Có nhiều con đường để tới Uluru tuỳ thuộc vào nơi xuất phát và lượng thời gian bạn có. Từ những thành phố lớn, hàng ngày đều có chuyến bay tới Thành phố Alice Spring thuộc miền bắc Australia, rồi từ đó đi thêm 400km để đến Uluru. Với nhiều người, lựa chọn tuyến cao tốc Stuart Highway để lái xe tới Uluru lại là một trải nghiệm không tồi. Tuyến đường dài 2.834km, thẳng tắp, với hai bên là sỏi đỏ và cây bụi, một không gian miên viễn rất Úc  châu.

Thời tiết ở sa mạc trung tâm Australia rất đặc thù… Ban ngày nóng bỏng như rang, nhưng đêm xuống nhiều khi lạnh buốt giữa mùa hè. Gió thổi lồng lộng, không khí trong lành và tinh khiết khiến cho mọi ám ảnh đô thị đều tan biến hư không. Chỉ khi đã thực sự có mặt ở trung tâm Australia, dưới chân núi thiêng Uluru, bạn mới nhận ra rằng bên cạnh một Australia dân chủ, trù phú và sôi động trên các bờ biển… còn có một Australia cổ xưa, huyền bí và bình yên.

Bảy ngày vòng quanh Australia (1): Bí ẩn núi thiêng Uluru - Hòn đá giời ban ảnh 3

Một góc Núi thiêng Uluru, trải qua nhiều triệu năm, nước và gió đã bào mòn một phần mặt núi, tạo ra những gợn sóng

Bảy ngày vòng quanh Australia (1): Bí ẩn núi thiêng Uluru - Hòn đá giời ban ảnh 4

Cận cảnh một dãy hố nước trên bề mặt núi thiêng Uluru kỳ lạ

Toàn cảnh dãy núi kỳ lạ Uluru nhìn từ phía Lacester Highway (phía Đông dãy núi)

Bình minh trên sa mạc trung tâm Australia, hiếm hoi lắm mới có thể thấy một cái cây trơ trọi như thế này.
(Còn nữa)