Bầu không đúng thì thiệt cho mình, thiệt cho đất nước

ANTĐ - Đây là chia sẻ của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thiện Nhân tại Chương trình đối thoại “Công dân tuổi 18 với bầu cử Quốc hội”, được tổ chức sáng nay 29-3.

Bầu không đúng thì thiệt cho mình, thiệt cho đất nước ảnh 1Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân
tham gia đối thoại với các công dân trẻ 

Ngay từ sớm, hội trường Nhà văn hóa học sinh, sinh viên TP Hà Nội đã chật kín các bạn trẻ. Sau phần giới thiệu và văn nghệ chào mừng, hàng loạt câu hỏi đã được các bạn trẻ gửi tới ban tổ chức “đốt nóng” không khí chương trình đối thoại.

Nhiều vấn đề đáng quan tâm như thanh niên có thể làm gì cho bầu cử Quốc hội, có thể nhờ người thân đại diện đi bầu cử không hay việc vận động bầu cử của các ứng cử viên được tiến hành như thế nào... đã được các bạn trẻ nêu ra.
Bầu không đúng thì thiệt cho mình, thiệt cho đất nước ảnh 2Hơn 400 bạn trẻ là những người sẽ lần đầu tham gia bầu cử
hào hứng tham gia cuộc đối thoại

Giải đáp thắc mắc của những cử tri sẽ lần đầu được cầm lá phiếu đi bầu ra người đại diện cho mình, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Theo chia sẻ của nhiều người, cách đây 20-30 năm, thanh niên 18 tuổi lúc đó không biết mình đi bầu cho ai và thường nhờ người nhà bỏ phiếu hộ. Tuy nhiên, với mọi công dân, bầu cử là hết sức quan trọng, góp phần quyết định ứng cử viên nào đó có là đại biểu Quốc hội hay không”.

“Bầu cử là hoạt động để chọn ra những người thay mặt mình, góp phần lãnh đạo đất nước. Do đó, cần lựa chọn được những người có tài, có đức làm lãnh đạo. Chọn không trúng là thiệt cho đất nước và thiệt cho chính mình”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, các bạn trẻ có thể thực hiện một số công việc được phân công như tham gia đội trật tự, tham gia ban kiểm phiếu, đội tuyên truyền về hoạt động bầu cử tại địa phương...
Bầu không đúng thì thiệt cho mình, thiệt cho đất nước ảnh 3Nhiều vấn đề liên quan tới bầu cử được các bạn trẻ quan tâm nêu câu hỏi

Trước câu hỏi của bạn Vân Anh (quận Hai Bà Trưng) về việc có thể cử người đại diện gia đình đi bỏ phiếu bầu cử hay không, TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội giải thích: “Đi bầu cử đại biểu Quốc hội là một trong những việc không thể nhờ người khác đại diện. Bởi ngoài việc pháp luật quy định là phải bầu trực tiếp và bỏ phiếu kín thì còn một ý nghĩa sâu xa nữa, đó là mình có quyền với người đại biểu được mình bầu ra".
"Bỏ phiếu cho ai, các bạn hãy nhớ tên người đó và người đó là người chịu trách nhiệm với các bạn, người được bầu bởi các bạn phải tiếp các bạn, phải lắng nghe các bạn. Đó là ý nghĩa và lợi ích của người trực tiếp đi bầu. Vì vậy, các bạn trẻ đừng từ bỏ quyền làm chủ nhân quyền lực chính trị của đất nước, bởi cử tri là người nắm trong tay quyền lực chính trị của đất nước”, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh.

TS Nguyễn Sỹ Dũng cũng chỉ ra rằng, giả sử trường hợp các bạn nhờ người nhà đi bỏ phiếu hộ, vô tình có ai đó phát hiện và xảy ra đơn thư, khiếu kiện sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Ví dụ như phải tổ chức bỏ phiếu lại, chỉ riêng việc này cũng gây tổn thất lớn về kinh tế. Như vậy, chỉ một hành động nhỏ thiếu trách nhiệm cũng có thể gây ra những hậu quả khó lường. 
Bên cạnh việc giải đáp những thắc mắc, chia sẻ tình cảm, động viên, khích lệ thông qua chương trình, các đại biểu là khách mời cũng đã lắng nghe những tâm tư, mong muốn, kỳ vọng của những công dân, những cử tri trẻ đối với hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội...