“Bầu” Hiển phủ nhận là ông chủ của 2 đội bóng

ANTĐ - Ít ngày trước khi VFF tổ chức hội thảo về vấn đề nóng “1 ông chủ - 2 đội bóng” (dự kiến vào tuần sau), ông Đỗ Quang Hiển đã đi một nước cờ không có gì lạ lẫm, khẳng định “không liên quan” đến HN T&T cũng như SHB Đà Nẵng.

Thường xuyên móc hầu bao

Trên thực tế, việc “bầu” Hiển phủ nhận là chủ sở hữu 2 đội bóng có tổng cộng 3 chức vô địch V-League chỉ trong 4 năm qua là điều được người ta dễ dàng dự đoán. Đó cũng là cái cách để ông ngầm chi phối và điều hành hai đội bóng này bấy lâu nay. Nhưng cho đến khi ở lượt trận cuối cùng V-League mùa giải vừa rồi diễn ra với màn kịch vụng về trên sân Thống Nhất, giữa HN T&T và SG.XT: thấy không thể thắng được SG.XT, HN T&T đã cố tình chơi chầy bửa để “bảo vệ” kết quả hòa, nhằm giúp cho SHB Đà Nẵng đủ điều kiện vô địch, thì vấn đề nóng này mới lại được dấy lên.

Nhưng mặc cho người ta đặt ra câu hỏi “Tại sao HN T&T lại chơi rụt lại hết như thế trong khi nếu tràn lên bằng tất cả khát vọng vô địch, họ có thể sẽ có bàn thắng và đăng quang?”, ông Đỗ Quang Hiển (Chủ tịch HĐQT ở cả tập đoàn T&T cũng như Ngân hàng SHB) vẫn phủ nhận những “dấu ấn” của mình khi khẳng định Tập đoàn T&T không có quyền chi phối hay quản lý bất cứ hoạt động nào của Công ty cổ phần thể thao T&T (đơn vị điều hành đội bóng Hà Nội T&T), và tương tự là Ngân hàng SHB với CLB SHB Đà Nẵng. Điều đáng nói, ông Hiển lý giải sự không liên quan của mình bằng lập luận: “Không phải tên CLB có chữ “SHB” thì CLB SHB Đà Nẵng thuộc quyền quản lý của Ngân hàng SHB, và tên CLB có chữ “T&T” thì CLB Hà Nội T&T thuộc quyền quản lý của Tập đoàn T&T”.

Bao nhiêu năm qua, ai cũng biết vai trò của “bầu” Hiển ở hai đội bóng trên là quan trọng như thế nào. Ông Hiển đã từng rưng rưng nức nở khi HN T&T vô địch mùa giải 2010, một mùa giải mà theo nhiều người là không bình thường. Trong khi đó, ở những trận quan trọng của Đà Nẵng, ông Hiển cũng ít khi vắng mặt và thường xuyên móc hầu bao (có khi cả tỷ đồng) để thưởng nóng cho đội bóng. “Bầu” Hiển có thể phủ nhận những điều ấy, nhưng thật khó mà phủ nhận được công sức và tình cảm của ông dành cho đội bóng sống Hàn, những gì đã được CĐV ở Đà Nẵng “khắc cốt ghi tâm” với những hình ảnh của ông được họ đóng khung và xuất hiện thường xuyên trên các khán đài sân Chi Lăng. 

Khó bắt bẻ

 Trở lại với những lập luận trong công văn gửi VFF của ông Hiển, ông khẳng định mình chỉ là nhà tài trợ thông thường, chứ không phải là “ông bầu” như cách hiểu bấy lâu nay, và quyền sở hữu hai đội bóng vẫn là của HĐQT của tập đoàn T&T và Ngân hàng SHB chứ không phải của riêng ông. Chỉ có điều, lý thuyết là thế, còn trên thực tế, chẳng có nhà tài trợ (cá nhân) nào lại có ảnh hưởng ghê gớm như ông cả. Đặc biệt là khi người ta nhìn vào cách mà “bầu” Hiển mua Công Vinh, một trong những cầu thủ mà ông từng cưng chiều nhất, cách đây 4 năm. Hơn nữa, ở một nền bóng đá lớn lên vì tiền, phát triển vì tiền và có khi “chết” cũng vì tiền như ở Việt Nam bây giờ, vai trò của nhà tài trợ, của người rót tiền, thì có khác gì “ông bầu” đâu. Lấy ví dụ ở Chelsea, Chủ tịch trên danh nghĩa của họ là Bruce Buck, một cái tên khá xa lạ. Trong khi ai cũng biết chủ tịch đích thực, ông “bầu” đích thực của The Blues là Roman Abramovich. Chỉ khác là ông chủ người Nga ấy không sở hữu 1 lúc hai đội ở cùng một giải như “bầu” Hiển ở ta.

Có thể thấy VFF phen này sẽ lại mệt mỏi. Bởi nếu căn cứ theo những gì mà “bầu” Hiển đã trình bày, thì cũng khó để bộ phận Pháp lý của Liên đoàn có thể bắt bẻ điều gì. Mà những chuyện ở nơi hậu trường, những chuyện “sau cánh gà” thì chỉ những người trong cuộc mới biết. Và nếu thế, bóng đá Việt Nam cứ mãi luẩn quẩn, u mê trên con đường tiến lên 2 chữ chuyên nghiệp mà thôi.