Bầu cử Tổng thống Pháp 2022: Liệu có một cơn “địa chấn chính trị”?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 24-4, hơn 48 triệu cử tri Pháp đi bỏ phiếu vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống để lựa chọn ông Emmanuel Macron hay bà Marine Le Pen sẽ là chủ nhân của Điện Elysee trong 5 năm tới.
Ông Emmanuel Macron hoặc bà Marine Le Pen sẽ là chủ nhân của Điện Elysee trong 5 năm tới

Ông Emmanuel Macron hoặc bà Marine Le Pen sẽ là chủ nhân của Điện Elysee trong 5 năm tới

Người dân Pháp “nín thở” theo dõi

Các hòm phiếu mở từ lúc 8h sáng và đóng lúc 20h cùng ngày (theo giờ địa phương). Trước đó, trong ngày 23-4, công dân Pháp sinh sống tại các vùng lãnh thổ hải ngoại hoặc ở nước ngoài đã đi bỏ phiếu sớm.

Theo kế hoạch, vào 20h ngày 24-4 theo giờ Paris, kết quả sơ bộ vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022 sẽ được công bố. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến sẽ tổ chức buổi mít tinh ngay sau đó tại Quảng trường Champs-de Mars dưới chân tháp Eiffel.

Trong khi đó, đội ngũ tranh cử của bà Marine Le Pen cho biết, trong trường hợp chiến thắng, nữ chính trị gia sẽ tổ chức một đoàn diễu hành trên nhiều tuyến phố và quảng trường lớn ở Thủ đô Paris.

Không chỉ người dân Pháp đang “nín thở” theo dõi cuộc bầu cử, mà phần lớn thế giới cũng đang chú ý đến sự kiện này. Liệu ông Emmanuel Macron, vị Tổng thống ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) theo quan điểm trung dung, tiếp tục nắm quyền hay phải “nhường” ghế cho bà Marine Le Pen, một người theo quan điểm cực hữu và hoài nghi châu Âu.

Theo các cuộc thăm dò dư luận trong những ngày gần đây, đương kim Tổng thống Macron đang có một vị trí dẫn đầu vững chắc và tỷ lệ ủng hộ đang tăng nhẹ. Trong khi đó, bà Le Pen vẫn không được lòng nhiều cử tri, mặc dù bà đã nỗ lực làm dịu hình ảnh của mình và dung hòa một số chính sách của đảng Tập hợp quốc gia.

Kết quả cuộc thăm dò dư luận do hãng Ipsos-Sopra Steria thực hiện trong ngày 22-4 cho nhiều kênh truyền thông lớn của Pháp như báo Le Monde hay Đài Truyền hình quốc gia Pháp cho thấy, ông Emmanuel Macron dự kiến sẽ nhận được 56,5% số phiếu bầu của cử tri Pháp tại vòng 2 so với tỷ lệ 43,5% của bà Marine Le Pen.

Tuy nhiên, hiện không thể loại trừ hoàn toàn một chiến thắng bất ngờ của bà Le Pen, trong bối cảnh số lượng lớn cử tri chưa quyết định hoặc không chắc chắn liệu họ có đi bầu trong cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống hay không.

Ai sẽ là Tổng thống tiếp theo của Pháp?

Nếu ứng cử viên đảng cực hữu lên nắm quyền, điều này có thể được xem như một cơn “địa chấn chính trị”. Chiến thắng của bà Le Pen có thể mang lại cảm giác “chấn động” giống như cuộc bỏ phiếu của Anh rời EU (Brexit).

Ông Macron, 44 tuổi, người chiến thắng trong cuộc đua tương tự cách đây 5 năm, đã cảnh báo về “cuộc nội chiến” nếu bà Le Pen - người thậm chí kêu gọi các chính sách như cấm đeo khăn trùm đầu của người Hồi giáo ở nơi công cộng - được bầu chọn.

Trong khi đó, bà Le Pen, 53 tuổi, đã tập trung chiến dịch của mình vào vấn đề chi phí sinh hoạt tăng cao ở nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới, mà nhiều người Pháp cho rằng đã trở nên tồi tệ hơn với sự gia tăng giá năng lượng toàn cầu. Bà thậm chí còn đặt nghi vấn về sự cần thiết của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), khẳng định rằng liên minh quân sự này đang tồn tại để phục vụ “các mục tiêu của Washington ở châu Âu” và thay vào đó kêu gọi quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.

Theo chuyên gia phân tích Andrew Hammond tại Trường Kinh tế London (Anh), cuộc bầu cử tại Pháp sẽ ảnh hưởng đến định hướng tương lai của nền kinh tế lớn thứ 2 của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Bên cạnh đó, nước này còn là quốc gia EU duy nhất có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, trong trường hợp ông Macron giành chiến thắng, những thay đổi cũng có thể sẽ xuất hiện. Sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và sự hợp tác của thỏa thuận an ninh AUKUS giữa Anh, Mỹ và Australia, nhiệm kỳ thứ 2 của ông Macron sẽ đánh dấu khả năng gia tăng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng châu Âu. Dưới thời Tổng thống Macron, chi tiêu quốc phòng của Pháp đã tăng 7 tỷ euro với mục tiêu đạt 2% GDP. Trong nhiệm kỳ thứ 2, có thể ông Macron sẽ muốn xây dựng một phản ứng chung của châu Âu đối với tình hình Ukraine.

Mặc dù vậy, Tổng thống Macron và đội ngũ của ông đã khẳng định trong tuần trước rằng không có gì là hoàn toàn “chắc ăn”, và một lượng cử tri đi bầu mạnh mẽ rất quan trọng để tránh một cú sốc ở Pháp như cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 dẫn đến Brexit ở Anh và cuộc bầu cử cùng năm đó đưa Tổng thống Trump lên nắm quyền tại Mỹ.

Các nhà lãnh đạo cánh tả của EU như Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã kêu gọi người Pháp chọn ông Macron thay vì đối thủ của ông. Nếu chiến thắng, bà Le Pen sẽ trở thành nhà lãnh đạo cực hữu đầu tiên của nước Pháp hiện đại và là nữ Tổng thống đầu tiên, còn ông Macron nếu chiến thắng sẽ là Tổng thống Pháp đầu tiên tái đắc cử sau 2 thập kỷ.