Bầu cử lại tại Hy Lạp: Tương lai chông chênh

ANTĐ - Ngày 17-6, khoảng 10 triệu cử tri Hy Lạp đã đi bỏ phiếu trong một cuộc tổng tuyển cử mang tính chất sống còn không chỉ đối với Hy Lạp mà còn cả khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vì nó sẽ quyết định nước này sẽ ra đi hay ở lại Eurozone. 

Người dân Hy Lạp phân vân trước cuộc bầu cử có thể quyết định tương lai kinh tế nước này

Hai đối thủ chính trong cuộc bầu cử lại lần này là đảng cánh tả Syriza phản đối các điều kiện ngặt nghèo (như cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế) của gói cứu trợ do Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ủy ban châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế đặt ra, và đảng Dân chủ mới theo đường lối bảo thủ, ủng hộ gói cứu trợ tài chính. 

Các quan chức Eurozone nói rằng, họ để ngỏ khả năng có những điều chỉnh nhỏ đối với gói cứu trợ như cho phép Hy Lạp linh hoạt hơn trong việc trả lại các khoản vay để có tiền đầu tư cho các cơ sở hạ tầng. Nếu đảng Dân chủ mới giành chiến thắng, và ông Antonis Samaras, lãnh đạo đảng Dân chủ mới có thể đạt được thỏa thuận làm hài lòng các bên, Hy Lạp có khả năng ở lại Eurozone, mặc dù nước này vẫn sẽ đối mặt với nhiều năm “thắt lưng buộc bụng” và tăng trưởng kém. 

Trong trường hợp đảng Syriza thắng cử và thành lập được một chính phủ liên minh, các nhà phân tích cho rằng, việc yêu cầu thay đổi hoàn toàn thỏa thuận gói cứu trợ có thể khiến các chủ nợ quốc tế ngừng cho Hy Lạp vay tiền. Trong kịch bản xấu nhất, nước này sẽ đối mặt với tình trạng hết sạch tiền mặt, hệ thống ngân hàng trong nước tan rã, khi đó ông Alexis Tsipras, lãnh đạo đảng Syriza sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc quốc hữu hóa các ngân hàng và giới thiệu đồng nội tệ mới. “Nếu Hy Lạp rời Eurozone, nước này sẽ bị rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ gấp nhiều lần hiện nay, và kích động thêm bất ổn xã hội”, một số nhà kinh tế Hy Lạp cảnh báo trên tờ Wall Street Journal hôm 15-6. 

Bởi vậy, cuộc tổng tuyển cử tại Hy Lạp thu hút sự chú ý theo dõi đặc biệt của các nhà lãnh đạo châu Âu, những người ủng hộ “bơm” tiền để giữ Hy Lạp ở lại Eurozone và giúp khu vực đồng tiền chung này đứng vững. Bởi vì, nếu Hy Lạp rời khỏi Eurozone, nó có thể gây ra tác động dây chuyền, dẫn đến sự ra đi của những nước cũng đang ngập chìm trong nợ công như Tây Ban Nha và Italia. Khi đó, sự sụp đổ hoàn toàn của liên minh tiền tệ này hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Ngân hàng rỗng, dân giữ tiền lo… trộm


Nhiều người dân Hy Lạp đã cố rút toàn bộ tài khoản ngân hàng vì lo sợ nước này sẽ đổi tiền, quay trở lại với đồng drachma. Tuy vậy, có đến 4/5 số tiền mặt này không chạy ra nước ngoài mà được cất giữ trong những két an toàn hay két cá nhân tại nhà, bất chấp các vụ đột nhập gia tăng.

“Tôi cảm thấy cắn rứt lương tâm vì đã rút hết tiền do sợ ngân hàng sụp đổ”, Joanna Stavropoulos, 43 tuổi nói. Tuy vậy, người mẹ có cô con gái mới 2 tháng tuổi này có lẽ là một trong số ít người hiểu được viễn cảnh ấy. Là nhà báo, lại là nhân viên của tổ chức phi chính phủ, cô đã từng chứng kiến cảnh ngân hàng quốc gia ở Haiti và Iraq phải đóng cửa thế nào hay lạm phát tới 3 con số ở Zimbabwe ra sao. 

Không có cảnh giẫm đạp lên nhau trước các ngân hàng ở Hy Lạp nhưng người dân nước này đã rút khoảng 80 tỷ euro kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, trong đó gần 50 tỷ euro được người dân giấu tại nhà, tờ Ta Nea của Hy Lạp trích nguồn tin Bộ Tài chính nước này cho biết. Có lẽ vậy mà các vụ việc đột nhập, ăn trộm cũng gia tăng, điển hình có cặp vợ chồng ở Athens đã bị trộm “khoắng” mất 50.000 euro cất trong nhà. Cuộc khủng hoảng kinh tế cũng làm gia tăng khoảng cách xã hội ở Hy Lạp bởi người thu nhập thấp không chuẩn bị trước sẽ gặp nhiều khó khăn.