"Bất tuân dân sự" - Hiểm họa khôn lường

ANTD.VN - Thoạt nghe có vẻ rất ôn hòa, dân sự, không bạo lực… song phong trào “bất tuân dân sự” đã mang lại những hiểm họa khôn lường, thậm chí khủng hoảng toàn diện, sâu sắc cho nhiều vùng lãnh thổ, quốc gia. 

"Bất tuân dân sự" - Hiểm họa khôn lường ảnh 1Núp dưới vỏ bọc gọi là Bất tuân dân sự, song phong trào áo vàng tại Pháp đã biến thành bạo động và gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nước Pháp

Tình hình Venezuela, Hồng Kông (Trung Quốc)… những ngày này đang hết sức nóng với những cuộc biểu tình chống đối. Trong đó, phong trào biểu tình nhằm lật đổ Chính phủ được bầu lên hợp pháp ở Venezuela suốt từ năm 2017, phong trào “cách mạng dù” diễn ra trong các năm 2014, bùng phát trong năm 2019, và đang nóng bỏng ở Hồng Kông đều thể hiện rất rõ thủ đoạn của phòng trào “bất tuân dân sự”.

Phong trào này không có gì mới mẻ bởi nó đã xuất hiện từ giữa thế kỷ 19. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các quốc gia phương Tây ráo riết thực thi chiến lược "diễn biến hòa bình" với tư tưởng chủ đạo là chuyển cuộc đấu tranh vào bên trong các nước xã hội chủ nghĩa. Từ đó, “bất tuân dân sự” dần trở thành một phương thức, thủ đoạn nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình”. Hiện nay thủ đoạn nói trên đã được đẩy lên cấp độ mới trắng trợn, ráo riết hơn rất nhiều để chống phá những quốc gia vẫn lựa chọn đi theo con đường xã hội chủ nghĩa hoặc các quốc gia có chế độ “nghịch mắt” với phương Tây. 

“Bất tuân dân sự” (thực chất là chống đối chính phủ dân sự) được nêu ra lần đầu tiên trong tập tiểu luận nhan đề “Dân sự bất hợp tác” của Henry David Thoreau - một phạm nhân phải ngồi tù ở bang Massachusetts (Mỹ) vì tội không đóng thuế. Thế nên, nội dung chủ đạo trong tập tiểu luận là quan điểm cực đoan, vô chính phủ và được khoác ngôn từ hoa mỹ là “bất tuân dân sự”. Mặc dù ở thời điểm mới xuất hiện, tiểu luận “Dân sự bất hợp tác” không gây được sự ảnh hưởng nào, song sang thế kỷ XX, tư tưởng về một cuộc “cách mạng hòa bình” của Henry David Thoreau được một số kẻ lợi dụng phát triển thành phương pháp đấu tranh. Theo thời gian, “bất tuân dân sự” đã bị các thế lực biến tướng, lợi dụng vào các mục đích khác nhau, đặc biệt là để chống phá các nước xã hội chủ nghĩa, các quốc gia, vùng lãnh thổ không phù hợp với lợi ích của họ.

Hiện nay, có nhiều quan niệm khác nhau về “bất tuân dân sự”, nhưng thực chất đó là các hoạt động vi phạm cố ý đối với một số đạo luật nhằm cản trở quá trình thực thi chính sách, luật pháp của nhà nước; là hình thức gây áp lực buộc nhà nước phải thay đổi chính sách, luật pháp, thậm chí lật đổ chính quyền. Vì thế, bản chất đây là hành vi vi phạm pháp luật nếu chiểu theo pháp luật của bất kỳ quốc gia nào. Điều này khác hẳn với nguyên tắc phổ biến mà hầu hết các nhà nước pháp quyền trên thế giới đều thực hiện, đó là: thiểu số phục tùng đa số; lợi ích riêng phải nằm trong lợi ích chung; lợi ích cá nhân, nhóm người phải phục tùng lợi ích cộng đồng, xã hội, dân tộc. Vì vậy, “bất tuân dân sự” về cơ bản thể hiện tư tưởng cực đoan, vô chính phủ, hầu như không được nhà nước pháp quyền nào chấp nhận (ngoại trừ những thế lực muốn lợi dụng nó để chống lại nhà nước pháp quyền).

Nhìn vào thực tế những gì đã diễn ra ở các nước Đông Âu, Liên Xô (cũ), Trung Đông, Bắc Phi… thấy rất rõ “bất tuân dân sự” luôn có xu hướng leo thang thành bạo lực, bạo động, gây ra bất ổn xã hội, thậm chí khủng hoảng nghiêm trọng. Các hành vi của cái gọi là “bất tuân dân sự” nhằm chống đối, không phục tùng những điều luật, quy định đã được ban hành, thi hành và thừa nhận trên thực tế tại các quốc gia, vùng lãnh thổ chính là coi thường kỷ cương, pháp luật, đi ngược hoàn toàn với các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền trong một xã hội văn minh.

Hậu quả của “bất tuân dân sự” để lại luôn rất nặng nề, kéo dài, gây bất ổn, chia rẽ sâu sắc trong lòng xã hội, giữa người dân trong một quốc gia, vùng lãnh thổ. Thực tế, các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, kéo dài tại một số quốc gia đã minh chứng rõ điều này. Chính nước Pháp cũng phải “nếm chịu” những hậu quả nghiêm trọng từ cái gọi là “bất tuân dân sự” qua phong trào “áo vàng” diễn ra năm 2018.

“Bất tuân dân sự”, “phản kháng ôn hòa”, “phản kháng bất bạo động”, “biểu tình ôn hòa”… chỉ là cái vỏ bọc hào nhoáng, mỹ miều cho các hành vi vi phạm pháp luật như bạo lực, đốt phá, giết chóc, gây nguy hiểm cho cả cộng đồng, bất ổn cho xã hội và đất nước. “Bất tuân dân sự” chính vì thế luôn chứa đựng trong nó những hiểm họa khôn lường cho cuộc sống bình yên, cho sự ổn định của toàn xã hội.