“Bắt thóp”… trẻ sợ đi học

ANTĐ - Sợ đi học, một số trẻ ở tuổi mẫu giáo phản ứng bằng cách từ chối mặc quần áo, kêu đau bụng, khóc, thậm chí la hét. Mỗi loại lo lắng của trẻ em đều có những khía cạnh độc đáo, biết được loại hình cụ thể của sự “đau khổ” đó có thể giúp phụ huynh và giáo viên chọn được cách hiệu quả nhất để ứng phó.

Tâm lý không an toàn. Thiếu bố mẹ ở bên, trẻ có phản ứng từ rất sớm, bình thường từ lúc khoảng 9 tháng tuổi, nhưng sớm hơn nữa có thể từ 6 tháng tuổi và nó có thể biểu hiện đặc biệt dữ dội. Khi đi học, trẻ cảm thấy như vậy dễ bị tổn thương do lo ngại không có cha mẹ xung quanh để bảo vệ.

Do vậy, có thể tạo cho trẻ cảm giác gần gũi với cô giáo, bố mẹ dành chút thời gian trò chuyện với cô giáo ở trường có thể khiến trẻ yên tâm hơn.

Không thoải mái. Với trường hợp này, tạo một điều gì đó sao cho có mối liên tưởng tới nhà mình, tới thành viên trong gia đình sẽ là giải pháp hiệu quả giúp bé thích đi học. Ví dụ như tấm ảnh hoặc  đồ chơi, con thú để trong balô đi học mà con thích chính là một cách để duy trì mối quan hệ tâm lý. Khi đó, sự hiện diện của những đồ vật quen thuộc không thay thế được cảm giác an toàn nhưng lại tạo sự thoải mái. Đôi khi giáo viên có thể giao nhiệm vụ cho trẻ khiến trẻ hứng thú đi học hơn.

Sự nhút nhát. Môi trường mới có thể tạo nên nỗi sợ hãi mơ hồ ở trẻ. Vì thế, sự quen thuộc là biện pháp hóa giải. Trẻ cần có thời gian tham quan trường học, nán lại chơi trên sân trường sau giờ học hoặc vào cuối tuần có thể tăng độ thích nghi và giảm nỗi sợ hãi không rõ nguyên nhân. Ngoài ra, nhiều trẻ em dường như sinh ra đã hay lo lắng. Chúng nhíu lông mày liên tục, đó có thể là cá nhân rất thông minh nhưng cũng có thể là có quá nhiều mối quan tâm. Nhiệm vụ của phụ huynh là khuyến khích tính khôi hài và hỗ trợ các nỗ lực của con.

Sợ đám đông. Có trẻ tương tác với một bạn khác thì ổn nhưng khi chơi với nhiều bạn khác, sự căng thẳng trở nên đáng chú ý. Cách can thiệp là tạo điều kiện để trẻ có những trải nghiệm thú vị với các bạn cùng lớp. Hỏi han, chuyện trò với con, phụ huynh cũng cần thu hút sự tham gia của giáo viên.