Bát nháo vận tải xe khách: Mầm họa tai nạn giao thông

ANTĐ - Từ đầu năm 2012 đến nay, TNGT đã giảm so với nhiều năm trước, nhưng vẫn còn đến gần 7.000 người chết, hơn 25.000 người bị thương. “Tại sao TNGT vẫn mãi nghiêm trọng như vậy?”, lời giải cho câu hỏi này đã qua bao năm mà chưa có đáp án.

Bát nháo trong vận tải xe khách là một trong những nguyên nhân chính gây TNGT hiện nay

Cung đã vượt cầu

Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia cho biết, 9 tháng đầu năm 2012, TNGT đã giảm trên cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2011, nhưng vẫn xảy ra hơn 23.500 vụ, làm  gần 7.000 người chết, 25.000 người bị thương, trong đó, chiếm phần lớn là TNGT đường bộ với hơn 23.100 vụ. Các phân tích đều chỉ ra, TNGT có nguyên nhân từ 3 yếu tố: con người, phương tiện và kết cấu hạ tầng giao thông. Các số liệu cho thấy, TNGT do lỗi của người tham gia giao thông chiếm 95% tổng số vụ tai nạn, mà nguyên nhân trực tiếp là uống bia rượu khi tham gia giao thông, chạy xe quá tốc độ quy định, lấn làn, vượt ẩu… Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đặt câu hỏi, tại sao lại tồn tại tình trạng nghiêm trọng như vậy, phải chăng có một phần do tổ chức vận tải và quản lý sử dụng đội ngũ lái xe?

Ông Thanh nhận định, công tác tổ chức vận tải không khoa học, không sát với thực tế, nhiều yếu kém và tiêu cực gây hỗn loạn thị trường vận tải, cạnh tranh không lành mạnh, hình thành lối kinh doanh chộp giật, bến cóc xe dù, bảo kê… Thực trạng trên đã dẫn tới TNGT diễn biến phức tạp. Chứng minh cho nhận định của mình, ông Thanh phân tích, hiện nay chúng ta có trên 1.800 tuyến liên tỉnh và 500 tuyến nội tỉnh. Hệ thống tuyến vận tải chồng chéo, rất nhiều tuyến đường quá dài lại được xuất phát và kết thúc ở bến xe loại 5, loại 6 không phù hợp với vận tải ô tô. Trong khi đó, đến nay vẫn chưa có quy định loại doanh nghiệp nào được phép hoạt động trên các tuyến liên tỉnh đường dài. Các doanh nghiệp vận tải phải cạnh tranh quyết liệt,  lái xe buộc phải chạy nhanh, giành giật khách… đó chính là mầm họa của TNGT. 

Vẫn còn bị thả nổi

Đồng tình với những phân tích trên, đại diện Công ty CP Hoàng Hà (Thái Bình) cho biết, doanh nghiệp này đang có 300 đầu phương tiện các loại, gồm xe buýt, taxi, xe khách tuyến cố định. Tuy nhiên, các tuyến cố định thường xuyên có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh, phóng nhanh vượt ẩu và nhức nhối nhất là xe của doanh nghiệp thường xuyên bị chèn ép. Còn với các tuyến liên tỉnh thì hoạt động chồng chéo, số chuyến trùng nhau trên cùng một tuyến quá lớn. Trong khi thực tế, lượng khách đi lại trên tuyến chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp, khi xe chạy không có khách sẽ xuất hiện nhiều hệ lụy tiêu cực như phóng nhanh vượt ẩu để tranh giành khách. 

Thêm vào đó là tình trạng bến cóc, xe dù gây nhức nhối dư luận xã hội, mất ATGT, mất trật tự an ninh và làm thiệt hại cho các doanh nghiệp vận tải làm ăn đúng đắn. Ông Thanh cho biết: “Còn tình trạng trên là hậu quả của công tác quy hoạch tùy tiện, không kiểm soát với hệ thống bến xe, mạng lưới tuyến, nối tuyến, tăng số phương tiện”. Nguyên nhân theo phân tích là do chưa có đầu mối thống nhất quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và lực lượng kiểm tra, kiểm soát còn bao che, thậm chí bảo kê… “Đội ngũ lái xe hiện nay vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chất lượng. Tâm trạng của một bộ phận không nhỏ lái xe không yêu nghề, không tâm huyết. Trong hoàn cảnh này, không thể có lái xe giỏi, lái xe an toàn”, ông Thanh đánh giá.

Thậm chí, quản lý nhà nước về lĩnh vực này cũng đang bị thả nổi, phó thác hoàn toàn cho các đơn vị vận tải. Nhưng không ít các đơn vị vận tải lại không coi lái xe là lao động chính, chỉ thuê mang tính thời vụ, thuê theo chuyến, điều này đã vô tình tạo nên “chợ lao động lái xe”.  Các doanh nghiệp và HTX có lực lượng lái xe ổn định, nhưng lại khoán trắng cho lái xe tự tung tự tác. Hậu quả là các đơn vị vận tải trốn tránh nhiều trách nhiệm với người lao động mà pháp luật đã quy định. Vấn đề này cũng được ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia nhận định, tình trạng khoán trắng cho lái xe của  các doanh nghiệp vận tải đã vô tình tạo áp lực cho các lái xe phóng nhanh, vượt ẩu, giành khách. “Nếu các doanh nghiệp vận tải hành khách bỏ tình trạng khoán chuyến, doanh thu cho lái xe, tôi tin chắc, TNGT sẽ giảm được 5%” - ông Hiệp nhận định.