Bát nháo thị trường xe đạp điện

ANTĐ - Lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý hàng loạt cửa hàng kinh doanh xe đạp điện nhái thương hiệu, không có hóa đơn chứng từ... và phát hiện giá một số loại xe ngoại bị đẩy lên gấp 3-4 lần so với thực tế.

Xe đạp điện trong nước sản xuất được niêm yết giá rõ ràng

Khó phân biệt hàng thật, hàng nhái

Sau khi tham khảo một số cửa hàng bán xe đạp điện, bà Phạm Thị Phương Lan, nhà ở tổ 30, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy quyết định chọn mua xe đạp điện của Công ty TNHH MTV Thống Nhất: “Tôi không thể phân biệt được xe chính hãng hay xe nhập lậu, nhiều loại xe không dán tem nhãn nơi sản xuất nên tôi quyết định mua xe nội cho yên tâm”. Theo bà Lan, xe đạp điện tiện dụng với nhiều người dân, bởi không phải đổ xăng, dắt xe hay quay đầu đều dễ, tốc độ vừa phải nên cho người điều khiển có cảm giác an toàn. Trong khi đó, những người bạn của bà Lan đã mua xe đạp điện dán các nhãn hiệu nước ngoài nhưng chỉ sau thời gian ngắn sử dụng đã hỏng. “Họ không tìm được chỗ sửa chữa khi xe hỏng hóc”- bà Lan nói. 

Theo khảo sát của phóng viên ANTĐ, trên thị trường đang có mặt nhiều nhãn hiệu xe đạp điện với kiểu dáng khác nhau. Mức giá phổ biến của các xe nhãn mác “ngoại” là 11-12 triệu đồng/chiếc. Xe trong nước sản xuất khoảng 8,5 - dưới 10 triệu đồng/chiếc, dành cho 2 đối tượng khách hàng chủ yếu là những người trung niên trở lên và học sinh, sinh viên... Trong khi hầu hết các sản phẩm xe đạp “nội” đều niêm yết giá công khai, đã gồm thuế thì xe “ngoại” lại mập mờ về giá. Người bán hàng tùy khách mà “hét” giá. 

Đến tham khảo xe tại một cửa hàng trên phố Tây Sơn, chị Nguyễn Minh Huế (nhà ở đường Đại Cồ Việt) băn khoăn: “Người bán hàng chỉ cho tôi 2 loại xe giá 10 triệu đồng/chiếc và gần 14 triệu đồng/chiếc, nhưng quan sát kỹ tôi không thể biết 2 chiếc xe khác gì nhau về kỹ thuật”.

Những năm gần đây, nhu cầu xe đạp điện của người dân Hà Nội tăng cao. Đáp ứng nhu cầu này, hàng loạt cửa hàng kinh doanh xe đạp điện ra đời trên các tuyến phố: Bà Triệu, Tây Sơn, Tôn Đức Thắng, Cầu Giấy... “Hàng được giới thiệu của các hãng nổi tiếng nhưng hơn 90% trong số đó là xe Trung Quốc sản xuất. Giá nhập từ bên kia biên giới có khi chỉ  2-3 triệu đồng/chiếc, mang về Việt Nam được bán với giá hơn chục triệu đồng/chiếc”- một người kinh doanh xe đạp tiết lộ. 

“Thiệt đơn thiệt kép”

Nhận xét về thị trường xe đạp điện hiện tại, lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất xe đạp điện trong nước thốt lên: “Bát nháo lắm! Xe nhập lậu, xe giả nhãn mác tràn lan gây thất thu thuế cho Nhà nước, ảnh hưởng đến doanh nghiệp làm ăn chân chính như chúng tôi”.

Đồng tình quan điểm này, ông Đặng Văn Công - Phó phụ trách cửa hàng xe đạp Thống Nhất (số 2 - Thái Hà) cho hay: “Mấy tháng gần đây, xe đạp điện giả nhãn mác, nhập lậu cũng làm lượng khách đến với chúng tôi giảm mạnh”. Tuy nhiên, theo ông Công, với lợi thế về chính sách chăm sóc khách hàng: khách mua xe được bảo hành; hẹn lịch đến bảo dưỡng, sửa chữa; có phụ tùng chính hãng thay thế... nên người tiêu dùng vẫn tìm đến địa chỉ uy tín này để mua hàng. Giá xe đạp điện Thống Nhất cũng hợp túi tiền người dân, cao nhất là 9,5 triệu đồng/chiếc. 

Theo ông Đỗ Thanh Lam- Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT - Bộ Công Thương), cơ quan này đã chỉ đạo Chi cục QLTT thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Quảng Ninh xác minh và kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh, nhập khẩu và nhập lậu mặt hàng xe đạp điện, xe máy điện giả, nhái các nhãn hiệu nổi tiếng như: Honda, Yamaha, Bridgestone. Kết quả bước đầu cho thấy vi phạm chủ yếu là xe đạp điện nhập lậu và giả mạo nhãn hiệu. Tại Hà Nội, Chi cục Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý 18 vụ, phạt hành chính 74,75 triệu đồng, trong đó có 13 vụ vi phạm về hàng lậu, 5 vụ vi phạm về giả mạo nhãn hiệu Honda; tịch thu 57 chiếc xe đạp điện nhập lậu và tịch thu, tiêu huỷ 8 chiếc xe giả mạo nhãn hiệu. Lực lượng này còn phát hiện giá bán mỗi chiếc xe nhập lậu chênh 3-4 lần so với giá thực tế. 

Theo ông Đỗ Thanh Lam, để kiểm soát tốt hơn mặt hàng này, cần có sự phối hợp của lực lượng hải quan, biên phòng, cảnh sát biển... ở khu vực biên giới. Đồng thời, người tiêu dùng cũng nên lựa chọn các thương hiệu đã có uy tín ở trong nước để nếu sản phẩm có “vấn đề” thì tìm được nơi giải quyết. Thực tế nhiều người dân vẫn chuộng hàng ngoại nhưng lại mua phải hàng kém chất lượng, giá cao đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp trong nước cần đổi mới về mẫu mã, kiểu dáng và nâng cao chất lượng dịch vụ để được người tiêu dùng nội địa ủng hộ phát triển. 

Tin cùng chuyên mục