Bất ngờ bị truy thu thuế, 8 doanh nghiệp sữa phản ứng

ANTĐ - 8 doanh nghiệp sữa lớn tại Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính phản ứng việc cơ quan Hải quan áp dụng mã số không có căn cứ với mặt hàng Anhydrous Milkfat (dầu bơ khan). Về vấn đề này, ngày 2-12, đại diện Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) đã có phản hồi tới báo chí.  

Bất ngờ bị truy thu thuế, 8 doanh nghiệp sữa phản ứng ảnh 1Tám doanh nghiệp sữa đồng loạt phản đối việc bị điều chỉnh mã hàng nhập khẩu và truy thu thuế


Thuế nhập khẩu tăng từ 5% lên 15%

Các doanh nghiệp sữa cho rằng, việc Tổng cục Hải quan bất ngờ yêu cầu đổi mã số mặt hàng Anhydrous Milkfat kéo mức thuế suất nhập khẩu mặt hàng này tăng từ 5% lên 15% là mang tính áp đặt và không có căn cứ. Ước tính từ phía doanh nghiệp, số thuế bị truy thu khoảng 1.000 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp cho biết, từ năm 2000 đến nay, họ đã nhập khẩu mặt hàng có tên thương mại là Anhydrous Milkfat (AMF) hoặc cách gọi khác là Anhydrous Butterfat (dầu bơ khan hay còn gọi cách khác là chất béo khan của bơ hoặc chất béo khan từ sữa) do Tập đoàn Fontera của New Zealand sản xuất, dùng để phục vụ sản xuất, kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Cơ quan Hải quan xác định mã số đối với mặt hàng này từ nhiều năm nay là 0405.90.10.

Văn bản kiến nghị chỉ ra rằng, theo tài liệu Quy chuẩn Codex (CODEX STAN 280-1973) của Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Việt Nam  thì tên gọi Anhydrous Milkfat hay Anhydrous Butterfat là như nhau. 

Tuy nhiên, ngày 24-11-2014, Trung tâm Phân tích phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu Chi nhánh tại TP.HCM có thông báo kết quả phân tích đối với một mẫu hàng thuộc lô hàng Anhydrous Milkfat của doanh nghiệp nhập về. Trên cơ sở thông báo này, Tổng cục Hải quan có Thông báo số 14619/TB-TCHQ ngày 8-12-2014 cho biết, kết quả phân loại đối với mặt hàng Anhydrous Milkfat có mã số 0405.90.90 (loại khác). Từ đó, các Cục Hải quan địa phương mời các công ty tới làm việc và yêu cầu điều chỉnh mã số, đồng thời đề nghị truy thu thuế đối với tất cả các tờ khai nhập khẩu trước đây.

Theo các doanh nghiệp, cơ quan Hải quan đã sử dụng một thông báo có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành (8-12-2014) để hồi tố, truy thu các tờ khai nhập khẩu trước đó. Vì vậy, các doanh nghiệp không đồng ý và cho rằng, việc truy thu thuế mang tính áp đặt là hoàn toàn không có căn cứ. Khi bị phản ứng, cơ quan Hải quan đã đồng ý dừng lại. Sau đó, cơ quan Hải quan đã lấy mẫu thẩm định nhiều lần và đến cuối năm 2015, Tổng cục Hải quan lại có văn bản chỉ đạo các Cục Hải quan địa phương sử dụng mã số thuế 040590.90 thay vì sử dụng mã số là 0405.90.10 và thực hiện truy thu thuế (thuế nhập khẩu và VAT) từ năm 2010 đối với các doanh nghiệp sữa.

Cơ quan Hải quan nói gì?

Trước phản ứng từ phía các doanh nghiệp sữa, Tổng cục Hải quan cho biết, “Anhydrous Milkfat” - dầu bơ khan và “Anhydrous Butterfat”- chất béo khan của bơ là 2 mặt hàng khác nhau, có mã số và thuế suất khác nhau. Mặt hàng có tên thương mại “Anhydrous 

Milkfat”, mã số 0405.90.90, có suất thuế nhập khẩu là 15%. Trong khi đó, mặt hàng có tên thương mại “Anhydrous Butterfat” thuộc mã số 0405.90.10 có thuế suất thuế nhập khẩu là 5%.

Ngày 2-12, phản hồi với báo chí, đại diện Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) cho biết: “Chúng tôi đã có văn bản hướng dẫn các địa phương, theo nguyên tắc phân loại thì đây là 2 mặt hàng khác nhau. Dầu bơ khan là một dòng và chất béo khan của bơ là một dòng thuế khác. Nhưng khi nhập khẩu, một số doanh nghiệp nhập mặt hàng dầu bơ khan vẫn khai là chất béo khan của bơ”.

“Như vậy, trường hợp này không phải là một mặt hàng mà là 2 dòng hàng. Ý kiến của Bộ Công Thương cũng là 2 mặt hàng khác nhau nhưng doanh nghiệp nhập khẩu lại khai thành một. Ở đây, chúng tôi không khẳng định doanh nghiệp khai sai mà từ dấu hiệu đó chúng tôi có chỉ đạo các địa phương kiểm tra sau thông quan”, đại diện Cục Kiểm tra sau thông quan phân tích.

“Nếu xác định đúng là dầu bơ khan thì phải áp thuế suất 15% và chất béo khan của bơ là 5%. Còn số liệu truy thu 1.000 tỷ đồng là chưa chính xác, trường hợp doanh nghiệp khai chưa đúng thì số thuế chênh lệch khoảng 700 tỷ đồng. Để xử lý kiến nghị của các doanh nghiệp, chúng tôi sẽ có buổi họp với Tổng cục Hải quan và lãnh đạo Bộ Tài chính”, đại diện Cục Kiểm tra sau thông quan thông tin thêm.