Bất lực với tăng giá?

ANTĐ - Trong những ngày này, giá nhiều mặt hàng khác đang “nhảy múa”. Từ ngày 1-3, giá gas trên thị trường đã tăng 50.000 đ/bình 12kg. Bộ Tài chính đã “can thiệp” để “hạ nhiệt” giá gas song vẫn không ăn thua.

Cùng với gas, nhiều hãng sữa như Vinamilk, Abbott, Mead Johnson, Nestle… cũng lần lượt tăng hoặc thông báo ý định tăng giá sản phẩm, với mức tăng bình quân 5 - 10%. Mới đây nhất, từ ngày 1-3 như Nestle nâng giá bán dòng sản phẩm Lactogen 10%. Nhiều DN sữa cũng như gas không bắt buộc phải đăng ký giá bán nên việc kiểm tra của các cơ quan Nhà nước chỉ tiến hành sau khi DN tăng giá và gần như bất lực trước các đợt tăng giá với lý do muôn thuở là giá nguyên liệu đầu vào, giá lao động, giá vàng và đô la đều tăng nên giá các sản phẩm này phải tăng theo.

Gas, sữa có tên trong danh mục 14 mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý giá, và theo quy định hiện nay nếu mức tăng vượt “trần” 20% sẽ bị tuýt còi. Nhưng mặt khác, đây là mặt hàng đang được kinh doanh hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Để tránh bị cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp bình ổn giá, các hãng kinh doanh vô tư điều chỉnh tăng giá bán miễn là mức tăng mỗi lần không quá 20%. Theo 1 thống kê của Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, từ năm 2009 đến nay nhiều công ty sữa đã tăng giá tới… 17 lần. Mặc dù mức tăng chỉ quanh mức 5 - 7% mỗi lần nhưng nếu cộng dồn các con số này lại với nhau sẽ cho một con số không thể không quan tâm.

Việc các hãng gas, sữa đua nhau tăng giá không chỉ khiến người tiêu dùng thêm lo lắng, mà còn đặt ra câu hỏi: Thực tế ai quản lý giá sữa, hiệu quả quản lý đến đâu? Và câu hỏi đặt ra là giá than, điện, xăng dầu, sắt thép được coi là các mặt hàng thiết yếu, có tầm ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế nên mặc dù theo hướng thị trường hóa nhưng Nhà nước vẫn cần thiết kiểm soát giá. Còn gas, sữa bột trẻ em, một số thực phẩm cần dùng trong đời sống hàng ngày mà hàng triệu người mỗi ngày phải móc hầu bao chi trả... có được coi là mặt hàng thiết yếu không? Có thiết thân với xã hội không trong khi giá cả của 2 mặt hàng này chỉ cần thông báo, có chăng chỉ bị “hậu kiểm”, còn quyền quyết định giá vẫn là các doanh nghiệp trong đó rất nhiều doanh nghiệp có vốn nước ngoài? Thiếu cơ chế quản lý về mặt luật pháp? Có sự “buông xuôi” vì bất lực để các doanh nghiệp tự tung tự tác?

Gần đây, các sở, ngành, UBND các tỉnh, thành như Hà Nội, TPHCM đã đề ra những chương trình bình ổn giá các mặt hàng lương thực – thực phẩm thiết yếu. Thế nhưng, mặt hàng gas, sữa vẫn chưa được có tên trong danh sách các mặt hàng tham gia bình ổn giá. Trong khi đó, đây lại là mặt hàng liên tục tăng giá trong năm và người tiêu dùng đành phải chấp nhận mua, dù giá nào.

Đã nhận thấy những bất cập và không phù hợp trong quản lý, điều hành chính sách giá, thế nhưng cơ quan quản lý lại chưa thể đưa ra được biện pháp hữu hiệu hơn. Trong khi... chờ chính sách thì gas, sữa “ đến hẹn lại lên” thêm một lần tăng giá. Việc một số mặt hàng  tự do lên xuống chính là nguyên nhân làm thất bại nhiều lần tăng lương vừa qua.  Tình trạng tăng giá (mà rất ít khi giảm giá) cũng là nguyên nhân trực tiếp đe dọa lạm phát tăng cao, trong khi cả xã hội đang cố gắng để kéo nó về một con số trong năm nay. Xem ra việc tăng giá 2 loại mặt hàng này đặt ra thách thức không nhỏ cho điều hành vĩ mô. Chắc chắn sữa và gas sẽ tác động tới CPI tháng này, sau khi chỉ số này nằm ở mốc 1% trong tháng trước.