Bất lực với lao động "chui" ở Hàn Quốc?

ANTĐ - Hàng loạt biện pháp từ động viên, khuyến khích, hỗ trợ, đến các chế tài xử phạt được đưa ra nhằm khuyến khích lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc trở về nước nhưng đều không hiệu quả. Đến nay, tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vẫn ở mức cao, đứng đầu trong số 15 quốc gia xuất khẩu lao động sang nước này. Nếu tới tháng 3-2016 chúng ta không thể giảm số lao động bỏ trốn tại nước này xuống dưới 30% thì Hàn Quốc có thể sẽ không tiếp tục ký hiệp định tiếp nhận lại lao động Việt Nam. Nguy cơ đánh mất thị trường xuất khẩu lao động lớn và hấp dẫn nhất đang hiện hữu trước mắt.

Bất lực với lao động "chui" ở Hàn Quốc? ảnh 1Ảnh minh họa

Ở lại vì lương cao

Với khả năng tiếp nhận lao động lớn, ổn định, mức lương tương đối cao, Hàn Quốc đã từng là thị trường xuất khẩu lao động chủ lực của nước ta. Lao động trong nước sang làm việc tại nước bạn chủ yếu trong các nhà máy công nghiệp (khoảng 87%), số còn lại làm việc trong các ngành nông nghiệp, xây dựng và thủy sản. Người lao động làm việc tại Hàn Quốc có điều kiện bảo đảm, việc làm ổn định và thu nhập cao, bình quân khoảng hơn 1.000 USD/tháng.

Thế nhưng, sức hấp dẫn của thị trường này cũng đã khiến hàng loạt lao động Việt Nam dù hết thời hạn hợp đồng vẫn không chịu về, bỏ trốn, chấp nhận cư trú bất hợp pháp để được tiếp tục làm việc. Ông Tiến (Cổ Đô, Ba Vì, Hà Nội) có cậu con đã hết thời hạn hợp đồng xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc hơn 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa về. Dù bản thân ông và gia đình đã nhiều lần gọi điện giục con về nước xây dựng kinh tế và lấy vợ nhưng con trai ông cứ lần lữa mãi với lý do về quê không có bằng cấp thì không biết làm gì, trong khi ở bên đó mức lương vài ba chục triệu mỗi tháng. 

Đây cũng là lý do của hầu hết người lao động Việt Nam dù đã hết thời hạn hợp đồng lao động nhưng vẫn không về nước. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều người đã từng xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc thì không hẳn tất cả những người bỏ trốn ở lại Hàn Quốc đều vì mức lương cao. Anh Nguyễn Thế Kiên (Lâm Thao, Phú Thọ) cho biết: “Thật ra có rất nhiều người, nhất là những thanh niên nam trẻ sang lao động, mới đầu thì chuyên tâm làm ăn nhưng sau đó do tiền làm được đã sử dụng để chơi bời, hết thời hạn hợp đồng mà không có tiền tích cóp nên phải ở lại. Họ đi làm như vậy, gia đình rất hy vọng nên khi không có tiền thì không dám trở về”. 

Anh Kiên kể rằng bản thân anh cũng muốn ở lại Hàn Quốc thêm vài năm để tích cóp tiền về quê nhưng đúng đợt ấy thì nhóm bạn của anh ở lại nhiều người bị truy đuổi và trục xuất về nước nên anh đã quyết định về. Anh là một trong số ít những lao động về nước đúng hợp đồng, hiện với vốn kinh nghiệm làm việc ở Hàn Quốc, anh đang nộp hồ sơ cho một công ty Hàn Quốc tại Việt Nam. “Tôi hy vọng sẽ xin được công việc ở Việt Nam, mức lương thấp hơn một chút nhưng được gần gia đình. Trường hợp không có công việc phù hợp thì tôi sẽ quay lại Hàn Quốc làm, tôi về nước đúng thời hạn nên vẫn có cơ hội”.

Kể từ khi Luật Cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc có hiệu lực, Việt Nam đã trở thành 1 trong 15 nước được phái cử lao động sang nước này. Tuy nhiên, khi hết hạn hợp đồng vào năm 2010, rất nhiều lao động Việt Nam đã bỏ trốn, không về nước mà cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc để tiếp tục làm việc. Tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc luôn dẫn đầu trong số 15 nước có lao động làm việc tại Hàn Quốc. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến rất nhiều lao động Việt Nam có nguyện vọng sang Hàn Quốc làm việc mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của người lao động Việt Nam, dẫn đến việc Chính phủ Hàn Quốc hạn chế tiếp nhận lao động Việt Nam.

Phạt không được, miễn phạt cũng không xong

Trước thực trạng này, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp, chính sách như ký quỹ, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ tái hòa nhập, xử phạt hành chính... nhằm giảm tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú và làm việc bất hợp pháp. Về xử phạt hành chính, năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 95/NĐ-CP với mức xử phạt lao động cư trú bất hợp pháp lên đến 80-100 triệu đồng.

Đây được kỳ vọng là biện pháp mạnh, một chế tài hiệu quả khiến những lao động có ý định ở lại Hàn Quốc sau khi hết hợp đồng phải chùn bước. Và để khuyến khích lao động bỏ trốn về nước, ngay tại điều khoản chuyển tiếp, Nghị định 95/NĐ-CP đã gia hạn thời hạn xử phạt thêm 3 tháng kể từ ngày có hiệu lực thi hành. Thế nhưng, vẫn có rất ít người tự nguyện về nước, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục có văn bản đề xuất và được Thủ tướng cho phép lùi thời gian áp dụng xử phạt thêm 2 tháng, đến ngày 10-3-2014.

Trên thực tế, theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, những giải pháp đồng loạt được đưa ra cũng đã phần nào giảm được tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng mà không về nước, từ 55,76% năm 2012 còn 43,55% năm 2014 và hiện là trên 32%. Tuy nhiên, so với 14 nước phái cử lao động sang Hàn Quốc, tỉ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước vẫn xếp cao nhất và phía Hàn Quốc cũng vẫn ráo riết thúc giục phía ta có những biện pháp hiệu quả để số lao động này nhanh chóng hồi hương. 

Hàn Quốc đã có nhiều biện pháp mạnh để giảm số lao động Việt Nam làm việc chui, cụ thể trong chiến dịch truy bắt lao động bất hợp pháp nước ngoài diễn ra vào tháng 5-2015, Hàn Quốc đã thực hiện chính sách ân xá không phạt tiền, tạm giam và giảm thời hạn cấm nhập cảnh trở lại Hàn Quốc xuống còn 2 năm đối với những người tự nguyện hồi hương. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động Việt Nam đăng ký tự nguyện về nước vẫn thấp nhất trong các nước phái cử. Lý do mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra, có thể do người lao động lo sợ sẽ bị phạt tiền theo NĐ 95.

Chính vì vậy, Chính phủ đã tiếp tục ban hành Nghị quyết số 62/NQ-CP, trong đó nêu rõ người lao động Việt Nam ở Hàn Quốc có hành vi bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng hoặc ở lại Hàn Quốc trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động mà tự nguyện về nước trong thời hạn từ ngày 1-9-2015 đến hết ngày 31-12-2015 thì không bị phạt tiền theo quy định tại Điều 35 của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP.

Tuy nhiên, theo một cán bộ của Bộ LĐ-TB&XH thì đến nay, dù đã sắp hết thời gian trên nhưng số lao động về nước cũng không tăng đáng kể. Lý do là ngay cả khi đã có quy định về xử phạt vi phạm hành chính thì việc cưỡng chế xử phạt hành chính cũng thường rất khó khăn. Người lao động thì ở nước ngoài, trong khi tài sản trong nước thì không đứng tên họ nên không thể cưỡng chế được. Vì vậy, có quy định xử phạt hay không xử phạt thì cũng không tác động là bao tới người lao động. Sau hơn 2 năm triển khai, Nghị định 95/NĐ-CP, hầu như chưa có một lao động nào bị xử phạt đúng như quy định dù đã có tới 900 lao động bị lập biên bản xử phạt. Chỉ duy nhất có một lao động ở Bắc Giang bị xử phạt với số tiền 40 triệu đồng cưỡng chế trong tài khoản tiết kiệm. 

Khó khăn hỗ trợ việc làm

Với sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam, từ cuối năm 2012 đến nay, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức được 18 phiên giao dịch việc làm dành riêng cho lao động từ Hàn Quốc trở về tại 15 tỉnh, thành phố. Đây cũng là một trong những biện pháp nhằm khuyến khích lao động xuất khẩu Hàn Quốc trở về thay vì ở lại cư trú và làm việc trái phép khi hết hạn hợp đồng. 

Những phiên giao dịch việc làm như thế này có khá nhiều doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc tham gia và đã giúp hàng trăm lao động tìm được việc làm phù hợp. Thế nhưng theo bà Vũ Thị Thanh Liễu (Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội) thì hiệu quả của những phiên giao dịch như thế này chưa thực sự cao vì cung và cầu chưa gặp nhau. “Chúng tôi đã phải tuyển chọn những doanh nghiệp nước ngoài lớn để thứ nhất là có môi trường làm việc tốt, thứ hai là mức lương cũng cao hơn. Rồi phải phân công cán bộ gọi điện trực tiếp đến từng lao động hồi hương để khuyến khích họ tham gia các phiên giao dịch việc làm, đồng thời tư vấn cho họ rất kỹ nhưng đa phần người lao động vẫn “chê” doanh nghiệp. Người lao động vẫn còn bị choáng ngợp với mức lương bên kia, trong khi ở Việt Nam, với vị trí lao động công nhân kỹ thuật thì DN chỉ có thể trả mức lương 5-6 triệu đồng, còn với những vị trí lương cao hơn như phiên dịch thì người lao động lại không đáp ứng được”. 

Mới đây nhất, một biện pháp cứng rắn đã được Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, theo đó từ nay đến hết 31-12-2015, nếu địa phương nào mà tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vẫn ở mức cao, Bộ LĐ-TB&XH sẽ báo cáo Chính phủ không tuyển chọn lao động ở địa phương đó đi làm việc tại Hàn Quốc. Với biện pháp này, người lao động ở một số địa phương có số lượng lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao nhất trong cả nước là Nghệ An, Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Nam Định… sẽ có nguy cơ không được sang Hàn Quốc làm việc. 

Hiện cả hai phía Việt Nam và Hàn Quốc đều đang có những chính sách miễn xử phạt cho những người lao động đang cư trú và làm việc trái phép tại Hàn Quốc tự nguyện về nước, gồm cả những người đã bị ban hành quyết định xử phạt. Đại sứ quán Việt Nam cũng đang tạo mọi điều kiện hỗ trợ những người lao động bất hợp pháp đăng ký tự nguyện về nước như: hỗ trợ cấp giấy thông hành, hướng dẫn các thủ tục, thông tin về trong nước danh sách những người tự nguyện về nước để miễn xử phạt, hủy quyết định xử phạt.