Bất chấp giao dịch lô lẻ, T+2, thanh khoản thị trường chứng khoán vẫn rất thấp trong tháng 9

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thanh khoản thị trường chứng khoán không như kỳ vọng sau khi áp dụng giao dịch lô lẻ và giao dịch chu kỳ T+2.

Việc giao dịch chứng khoán chu kỳ T+2 được áp dụng trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ ngày 29/8 và giao dịch lô lẻ từ 12/9. Hai sự kiện này được kỳ vọng sẽ thu hút nhà đầu tư, cải thiện thanh khoản thị trường. Tuy nhiên, số liệu thống kê trong tháng 9 lại cho thấy thanh khoản tiếp tục sụt giảm.

Cụ thể, giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên sàn HoSE chỉ chưa đến 11.800 tỷ đồng, giảm 16% so với tháng trước và là mức thấp thứ 2 kể từ đầu năm 2021, chỉ sau tháng 7/2022.

Thậm chí nhiều phiên giao dịch trong tháng 9, giá trị khớp lệnh trên HoSE còn xuống dưới 10.000 tỷ đồng, con số thấp hiếm thấy trong tháng ngay trước khi chu kỳ T+2 vào giao dịch lô lẻ được áp dụng.

Dòng tiền vào thị trường chứng khoán ở mức rất thấp trong tháng 9

Dòng tiền vào thị trường chứng khoán ở mức rất thấp trong tháng 9

Sở dĩ thanh khoản thị trường trầm lắng là do nhà đầu tư lo ngại những biến động tiêu cực của thị trường, nhất là khi chứng khoán thế giới suy giảm mạnh sau quyết định tăng lãi suất của Fed cùng với thông điệp tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ cho đến khi lạm phát được kiểm soát.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã quyết định tăng một loạt lãi suất điều hành từ ngày 23/9.

Theo một số chuyên gia, lãi suất tăng khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến chứng khoán theo một số khía cạnh như: chi phí sử dụng vốn của doanh nghiệp tăng lên, ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận và tăng trưởng kinh tế; lãi suất chiết khấu trong các mô hình định giá tăng lên khiến định giá cổ phiếu sẽ giảm đi; chi phí vay margin cao lên, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư…

Việc lãi suất tiết kiệm tăng trong bối cảnh các thị trường đầu tư khác bất ổn cũng khiến dòng tiền có xu hướng trở về kênh tiết kiệm nhằm bảo toàn vốn một cách chắc chắn và vẫn có lợi nhuận nhất định. Cùng với nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hồi phục, dòng tiền vào chứng khoán cũng đã bị hạn chế hơn rất nhiều.

Trước đó, nhiều chuyên gia dự đoán việc giao dịch T+2 sẽ tạo ra những tác động tích cực lên thanh khoản thị trường khi rút ngắn thời gian thanh toán, tăng vòng quay giao dịch của nhà đầu tư giúp nhà đầu tư ứng phó nhanh nhạy hơn với biến động thị trường và cải thiện tỷ suất sinh lời. Một số dự báo cho rằng thanh khoản có thể tăng 20-30% tùy vào sự hưng phấn thị trường.

Đối với giao dịch lô lẻ, nếu các thành viên thị trường cũng kỳ vọng thanh khoản tăng khi thị trường thu hút được thêm nhiều nhà đầu tư. Bởi trước đó, nếu giao dịch lô 100 cổ phiếu, nhà đầu tư phải cần đến cả tiền triệu mới giao dịch được, nhưng với lô lẻ, chỉ với vài chục, vài trăm nghìn nhà đầu tư đã có thể mua nhiều mã cổ phiếu chất lượng.

Thống kê của HoSE cho thấy, trong ngày đầu thực hiện giao dịch lô lẻ 12/9, tổng lệnh đặt giao dịch lô lẻ là 190.671 lệnh, chiếm khoảng 22% tổng lệnh đặt toàn thị trường. Tỉ lệ khớp lệnh của giao dịch lô lẻ là 37,44% với khối lượng hơn 1,3 triệu chứng khoán.