Bất cập sử dụng đất

ANTĐ - Hôm nay, 1-11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về việc thực hiện dự án trồng mới 5 triệu hécta rừng, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020. Chiều cùng ngày, Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về dự thảo Luật Cơ yếu. Dự kiến, dự luật này sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 2.

ĐB Nguyễn Đình Quyền (TP Hà Nội): “Có những KCN không ai vào, cảng không có tàu, sân bay nằm “chết” đấy”


Chưa dùng hết sao phải mở rộng?

Đánh giá quy hoạch sử dụng đất thời gian qua là không thành công, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) minh họa bằng hình ảnh “nhà nhà làm khu kinh tế, KCN, sân golf, cảng biển, sân bay... Thế nhưng, có những KCN không ai vào, cảng không có tàu, sân bay nằm “chết” đấy”. ĐB đánh giá đó là lợi ích nhóm, lợi ích địa phương, lợi ích cát cứ và đặt câu hỏi “về mặt quản lý vĩ mô thì Nhà nước điều chỉnh, nhưng lãnh đạo các bộ, ngành đi đâu?”.

ĐB Nguyễn Đình Quyền nói: “Bao nhiêu dự án chúng ta còn bố trí được, trong khi nhà trẻ lại không bố trí đất được. Quy hoạch gì mà kỳ lạ vậy? Những việc đó vẫn diễn ra nhưng không thuộc trách nhiệm của ai? Đây là điều cực kỳ bất hợp lý trong việc quy hoạch và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch”. ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cũng đồng quan điểm, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất chưa sát với thực tế. Ông Chu Sơn Hà cũng phản ánh tình trạng trách nhiệm vòng quanh khi đất GPMB xong lại bỏ đó cho cỏ mọc, dự án giậm chân tại chỗ. ĐB này đề nghị cần có quy định về quy trách nhiệm cụ thể để quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất thực sự hiệu quả.

Theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 200.000 hécta dành cho khu công nghiệp. Cho rằng phải mất 50 năm nữa mới lấp đầy 70.000ha KCN, 730.000ha của 15 khu kinh tế ven biển, hơn 20 khu kinh tế cửa khẩu, ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi: “Vậy quy hoạch thêm để làm gì”? Ông phân tích: “Đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh có 5.900ha KCN, hiện đang khai thác 2.500ha (14 KCN) đã đóng góp 28% GDP cả  nước,  chỉ lấp đầy các KCN này, tỷ lệ đã rất lớn. ĐB Trần Du Lịch nhấn mạnh, nếu Chính phủ không làm rõ được các con số đó thì không thể phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt là 200.000ha đất KCN. Vì như vậy, có thể sẽ dẫn đến tình trạng tùy tiện mở rộng KCN, quy hoạch treo, biến đất nông nghiệp thành đất hoang, KCN để nuôi... bò!


Rút đất lúa, con cháu sẽ đói

ĐB Đào Văn Bình (Hà Nội) lo rằng, dân số có thể lên tới 100 triệu người, vì vậy, bảo đảm an ninh lương thực là hết sức quan trọng. Ông nói: “3,8 triệu hécta đất nông nghiệp có thể cũng thiếu nên dứt khoát không thể rút xuống được nữa. Nếu rút nữa sau này con cháu sẽ đói...”. Chưa thể yên tâm với việc thu hồi đất lúa, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đề nghị Bộ TN-MT nên rà soát xem đã lấy bao nhiêu diện tích đất bờ xôi ruộng mật. ĐB Bùi Thị An phản ánh, đất dành phát triển đô thị, nhà ở lấy rất lớn nhưng tại các thành phố lớn hiện nay, rất nhiều nhà, biệt thự đang bị bỏ hoang. Bà nói: “Có tình trạng người có rất nhiều nhà đất trong khi người khác lại không có nhà ở...”.

Cho ý kiến về việc thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu hécta rừng, một số ĐBQH tỏ ra lo lắng vì rừng đang ngày càng thêm cạn kiệt. ĐB Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, con số tính toán rừng tự nhiên trên diện tích chỉ là một hình thức tham khảo bởi không ít rừng đã bị rút ruột, lấy hết gỗ quý, nhìn tưởng rừng mà không phải rừng. ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) phát biểu, Chính phủ cần báo cáo về vấn đề cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất để có thông tin, cơ sở tìm hiểu cho rõ, đảm bảo lợi ích cho bà con nông dân. Nhiều ĐBQH cho rằng, Chính phủ cần quan tâm đến công tác quy hoạch, quản lý rừng tốt hơn bằng cách gắn lợi ích của nhân dân với rừng và tạo điều kiện để dân giám sát, quản lý rừng.

Tin cùng chuyên mục