Bắt bệnh nơi bàn chân

ANTĐ - Bạn có biết, thay đổi nhỏ ở chân, dù là trên da, móng chân hoặc cảm giác ở chân có thể là dấu hiệu cho một vấn đề sức khỏe. Lý do, chân là một trong những bộ phận đầu tiên bị ảnh hưởng bởi các vấn đề thần kinh vì đó là nơi xa nhất so với ​​trái tim và cột sống, chưa kể chúng dễ bị tổn thương khi chúng là nơi sau cùng được cung cấp máu, sau tất cả các cơ quan nội tạng và não.

Ngón chân trụi lông - vấn đề lưu thông máu. Lông chân có thể khiến ai đó cảm thấy hơi e ngại khi mùa hè đến và diện sandal nhưng lông mọc ở ngón chân mới là biểu hiện tốt. Đột ngột rụng lông ở vùng này cho thấy bàn chân không nhận được đủ lượng máu để duy trì sự tăng trưởng của lông, có nghĩa là có khả năng tim không bơm đủ máu tới chân.

Chuột rút thường xuyên - mất nước và thiếu dinh dưỡng. Nếu tập thể dục, nên uống nhiều nước bởi mất nước thường dẫn đến chuột rút cơ bắp. Bạn cũng có thể thử bổ sung kali, magiê và canxi vì thiếu những chất này làm cho chuột rút xảy ra thường xuyên hơn. Nhìn chung, nguyên nhân chuột rút khá đa dạng, từ lý do vô hại như suy dinh dưỡng đến vấn đề nghiêm trọng liên quan đến lưu thông máu và cơ quan thần kinh. Để khắc phục, ngâm chân trong nước ấm, vuốt ngược các ngón chân lên phía đầu, đừng kéo xuống.

Vết loét lâu lành - bệnh đái tháo đường hay ung thư da. Vết loét lâu lành chính là “dấu hiệu đỏ” của bệnh đái tháo đường. Không kiểm soát được lượng đường huyết có thể gây tổn thương thần kinh dẫn xuống chân, có nghĩa là xuất hiện vết nứt, vết đau hay vết cạo mà người ta không cảm thấy gì. Một khi đã nhiễm trùng, trường hợp nghiêm trọng có thể phải cắt cụt. Trong khi đó, khối u ác tính có thể mọc ở bất cứ nơi nào trên cơ thể, thậm chí ở giữa các ngón chân, vì vậy phải để ý phát hiện “sự lạ”.

Chân luôn lạnh - bệnh suy giáp. Suy giáp là nguyên nhân phổ biến nhất khiến cho bàn chân không có được cảm giác ấm, nhất là với người trên 40 tuổi. Ngoài ra, bệnh nhân suy giáp còn có một số biểu hiện khác như rụng tóc, mệt mỏi, tăng cân không giải thích được và trầm cảm. Xét nghiệm máu đơn giản sẽ đưa ra câu trả lời chính xác cho nguyên nhân nói trên.

Tê  chân - bệnh thần kinh ngoại biên hoặc bị chèn ép dây thần kinh. Tê cả hai bàn chân là một biểu hiện của bệnh thần kinh ngoại vi, nguồn gốc phổ biến nhất là do đái tháo đường, nghiện rượu mãn tính, hoặc một tác dụng phụ của quá trình hóa trị. Còn nếu chỉ bị tê một bên chân, có thể là do một dây thần kinh nào đó ở bàn chân, mắt cá chân hay lưng bị chèn ép. Lưu ý, những “tín đồ” của giầy gót nhọn rất dễ gặp phải tình trạng tê chân sau nhiều năm đi giày chật.

Đau gót chân - viêm màng gân lót bàn chân (Plantar fasciitis). Cảm giác đau nhói này không thể nhầm lẫn khi bước ra khỏi giường hoặc đứng lên sau khi đã ngồi một lúc. Màng gân lót dưới bàn chân này là lớp dây chằng co giãn tốt hỗ trợ mỗi bước đi lại, chạy nhảy. Nguyên nhân màng gân này bị viêm hoặc rách ở ngay chỗ nó gắn vào xương gót chân, khiến cho gót bị đau, nhất là lúc gót chạm vào thềm cứng. Tuy nhiên, khi chụp phim có thể không phát hiện được. Một số cách giúp khắc phục là giảm cân, bớt các vận động, nghỉ ngơi nhiều hơn, dùng thuốc giảm đau, chườm đá  và mang giày tốt có gót mềm, chú ý không nên đi chân đất hoặc mang dép đế mỏng mà cần đôi dép chắc chắn để nâng đỡ bàn chân.

Móng chân vàng - nấm hoặc móng chân “quá tải”. Không còn nghi ngờ gì nữa, những người thường xuyên đánh móng chân, không có thời gian cho móng chân ngưng nghỉ để “thoáng thở” thì móng chân rất dễ bị vàng. Một chuyên gia về da liễu nhận định, độ vàng cũng có thể xảy ra một cách tự nhiên theo tuổi tác. Tuy nhiên, nếu nó đi kèm với hiện tượng móng hay bị gãy, bong, rất có thể nguyên nhân tại nấm, mà cách tự nhiên nhất để khắc phục là rửa bằng giấm.