Bất an đường ngang, ngổn ngang cứu hộ

ANTĐ - Hai vụ tai nạn đường sắt liên tiếp xảy ra trên địa phận Hải Dương những ngày qua, dù không gây chết người nhưng an toàn đường sắt cũng như công tác cứu hộ đã bộc lộ nhiều bất cập. 

Ngành đường sắt đang bộc lộ những bất cập trong cứu hộ, cứu nạn

80% tai nạn tại đường ngang bất hợp pháp

Vụ tàu hỏa đâm xe container khi qua đường ngang dân sinh khiến đoàn tàu bị lật, xe ô tô nát bét ngày 10-7 vừa qua, người dân Hải Dương chưa hết bàng hoàng nay lại tiếp vụ một xe tải băng qua đường bị tàu cắt đôi.

Vào lúc 17h35, chiều 16-7, tại vị trí giao nhau giữa đường ngang dân sinh và đường tàu Hải Phòng - Hà Nội, cách Ga Phú Thái (Hải Dương) khoảng 3km đã xảy ra vụ tai nạn giữa tàu khách và xe tải. Vào thời điểm trên,  xe tải BKS: 15C- 053.56 từ trong khu dân cư băng qua đoạn giao nhau với đường tàu đúng lúc đoàn tàu chở khách chạy hướng Hà Nội về Hải Phòng đang lao tới, làm chiếc xe tải bị cắt rời làm hai. Lái xe và phụ xe bị thương nhẹ. Vụ tai nạn kinh hoàng khiến hành trăm hành khách đi tàu hoảng loạn. Đoàn tàu khách buộc phải dừng lại trong 30 phút để giải quyết vụ việc.

Ngay sau hai vụ tai nạn, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có cuộc họp khẩn về công tác đảm bảo an toàn đường sắt. Tại cuộc họp này, ông Đinh La Thăng đã phê bình lãnh đạo ngành đường sắt trong công tác tiếp cận thông tin và chậm trễ khắc phục sự cố. 

Thống kê của Cục Đường sắt cho thấy, hiện tại, cả nước vẫn còn tồn tại 4.800 đường ngang dân sinh bất hợp pháp. Hàng năm, khoảng 500 vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra, làm chết 200 người, bị thương 300 người. Phân tích cho thấy, chiếm đến 80% số vụ xảy ra tại các đường ngang dân sinh bất hợp pháp.

Cứu hộ kiểu “tay không bắt giặc”

Vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại Hải Dương ngày 10-7 vừa qua dù không gây thiệt hại về người nhưng đã bộc lộ những hạn chế trong công tác cứu hộ, cứu nạn. Phải mất hơn 30 giờ đồng hồ sau tai nạn, tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng mới được thông trở lại. 

Là đơn vị chủ lực trong ứng phó các sự cố như trên, tuy nhiên Trung tâm Ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn giao thông đường sắt đến nay mới triển khai được 7 đội cứu hộ, cứu nạn đặt tại Yên Bái, Hà Nội, Vinh, Đồng Hới, Đà Nẵng, Nha Trang, Sóng Thần. Mỗi đội có từ 7 đến 12 người, được trang bị 1 cẩu và 1 bộ cứu hộ chuyên dụng gồm kê kích, máy phát điện, cưa sắt… Ông Phạm Văn Bình - Giám đốc Trung tâm cho biết, 2 cẩu 100 tấn được đặt tại Hà Nội và Đà Nẵng có tuổi thọ khoảng chục năm, sức cẩu đã giảm chỉ còn 70 tấn nếu có điều kiện địa hình thuận lợi. Còn lại, 5 cẩu 50 tấn được nhập từ những năm 1975 quá cũ nát, sức nâng chỉ được 25 tấn. “Đường sắt có khoảng 3.000km trải dài từ Bắc vào Nam, nếu chia bình quân thì mỗi đội cứu hộ phải “gánh” hơn 400km. Chúng tôi đang kiến nghị thành lập thêm 2 đội cứu hộ đặt tại Bắc Giang và Bình Định để rút ngắn khoảng cách giữa các điểm cứu hộ”, ông Phạm Văn Bình phản ánh.

Theo quy hoạch, Trung tâm Ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn đường sắt có khoảng 110 người. Song, phần lớn quân số được “gửi” ở Công ty Vận tải hàng hóa đường sắt. Lý giải về điều này, Phạm Văn Bình cho biết: “Do không có tài chính nên phải “gửi” quân ở nơi khác. Ngay như 40 cán bộ ở văn phòng, chúng tôi vẫn đang phải vay tiền của Tổng công ty Đường sắt để trả lương cho anh em”. 

Cẩu có cũng như không, quân chủ lực cứu hộ phải mang “gửi” nơi khác khiến việc cứu hộ, cứu nạn rơi vào yếu kém. Hệ quả là không chỉ ngành Đường sắt thiệt hại nặng nề do chậm, hủy tàu mà người dân và xã hội cũng thiệt thòi không nhỏ. Ngay sau vụ tai nạn đường sắt ở Hải Dương xảy ra, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương củng cố, nâng cao năng lực Trung tâm Ứng phó cứu hộ, cứu nạn đường sắt; thường xuyên tổ chức tập huấn, diễn tập ứng phó sự cố cho nhân viên cứu hộ để phản ứng nhanh nhất khi có vụ việc xảy ra.