Bảo vệ trẻ trên không gian mạng: Phụ huynh cần làm gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không thể phủ nhận, Internet và các thiết bị công nghệ đã đem đến cơ hội học tập và giáo dục rộng mở cho trẻ trong thời điểm nhiều trường học còn đóng cửa vì Covid-19. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tích cực thì việc các em dành thời gian trên nền tảng ảo quá nhiều cũng tiềm ẩn những rủi ro nghiêm trọng. Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà đã có những lời khuyên đối với phụ huynh trong việc giúp con “sống” trên không gian mạng đúng cách. 
Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà (Ảnh: NVCC)

Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà (Ảnh: NVCC)

- Phóng viên: Trong thời gian nghỉ dịch, có nhiều trẻ dành hầu hết thời gian “sống” trên mạng, chuyên gia đánh giá như thế nào về thực trạng trên, điều đó tác động ra sao đến thể chất và tinh thần của trẻ?

- Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà: Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các em buộc phải chuyển từ học trực tiếp sang hình thức trực tuyến tại nhà. Việc học online trong thời gian khá lâu như vậy đôi khi trở thành áp lực khiến nhiều trẻ cảm thấy chán nản. Theo đó, trên đà đang được tiếp cận với Internet, thiết bị công nghệ… để phục vụ việc học online, nhiều em đã tìm tới những thông tin trên mạng, những chương trình trên Youtube… để giải trí. Đáng nói, những nội dung này có sức “cám dỗ” khá mạnh, làm ảnh hưởng tới khả năng tập trung cũng như khả năng học tập, khiến nhiều em dành hầu hết thời gian cho nó và sao nhãng việc học.

Đối với trẻ, việc dành thời gian “sống” trên mạng như vậy sẽ khiến các em bị lười vận động, có thể đối mặt với nguy cơ béo phì, hạn chế chiều cao… Bên cạnh đó, về lâu dài hậu quả có thể làm trẻ sinh ra cảm giác e ngại với những giao tiếp trực tiếp. Tâm lý này sẽ làm các em bị thu mình, thích ngồi một chỗ, không muốn trao đổi, chia sẻ với mọi người… dần dần làm trẻ mất đi kỹ năng tương tác ở đời sống thực. Đồng thời, càng làm các em bị lệ thuộc vào những kết nối trên mạng vốn đang khiến trẻ cảm thấy an toàn, thoải mái để duy trì niềm vui.

- Thực tế cho thấy, vì sự non nớt, ngây thơ, rất nhiều trẻ đã bị kẻ xấu lợi dụng, uy hiếp, quấy rối tình dục qua thế giới ảo. Vậy theo chuyên gia, bố mẹ cần phải làm gì để bảo vệ con trước tình trạng này?

- Với những hiểm nguy từ người lạ trên không gian mạng, rất khó để các em phân biệt, phân tích được đối tượng bên kia là người tốt hay người xấu. Đặc biệt, với mối quan hệ đã duy trì được trong một khoảng thời gian khiến các em cảm thấy tin tưởng thì những cái không tốt cũng đã trở thành một thói quen làm trẻ dễ bị lợi dụng. Khi đó, với nhận thức chưa hoàn thiện hay khó khăn trong sự quản lý cảm xúc sẽ khiến trẻ khó từ chối và thường hưởng ứng làm theo những hành vi không tốt đó.

Vì vậy, bố mẹ trước tiên nên hiểu rõ các tính năng của thiết bị công nghệ cũng như trang bị các kiến thức về an toàn thông tin trên mạng. Sau đó, hãy hướng dẫn cho con hiểu và yêu cầu con cần tuân thủ nguyên tắc an toàn. Ví dụ, đối với những trang mạng khả năng người xấu sẽ xuất hiện, phụ huynh cần nói rõ những rủi ro con có thể gặp phải.

Đặc biệt, phụ huynh phải nhắc con tuyệt đối không nên quá thân thiết với những người lạ, không được phép làm lộ ra những hình ảnh nhạy cảm của bản thân. Điều này rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng và truyền tải những hình ảnh xấu ra ngoài.

Trao đổi cởi mở về những điều đang diễn ra trên mạng xã hội theo cả hướng xấu cũng như hướng tốt, nói rõ cách phòng tránh… là điều tiên quyết giúp bố mẹ tạo được sự an toàn cho trẻ khi sử dụng mạng.

Bố mẹ cần có phương pháp cụ thể để bảo vệ con trên không gian mạng (Ảnh: K.P)
Bố mẹ cần có phương pháp cụ thể để bảo vệ con trên không gian mạng (Ảnh: K.P)

- Không ít bố mẹ đã tìm đến công cụ công nghệ để kiểm soát thời gian sử dụng cũng như nội dung thông tin mà con tiếp cận trên mạng xã hội. Theo chuyên gia, đây có thật sự là giải pháp hữu hiệu?

- Tôi nghĩ điều này là cần thiết. Bởi, bên cạnh hướng giải quyết về mặt tư tưởng qua việc trao đổi với con thì việc sử dụng các công cụ lọc, ngăn chặn những nội dung không phù hợp với trẻ, hay việc kích hoạt chức năng an toàn cho trẻ em ở hệ điều hành và trình duyệt web, hoặc công cụ thiết lập thời gian sử dụng mạng… sẽ giúp bố mẹ tăng được tính hiệu quả cho “lá chắn” bảo vệ con trên không gian mạng.

- Hiện nay, nhiều bố mẹ cũng không thoát khỏi thế giới ảo, lạm dụng mạng xã hội. Theo chuyên gia, trong trường hợp này, làm thế nào để phụ huynh cũng như con trẻ đi đúng hướng?

- Điều này, bố mẹ cần nhận thức được rằng, muốn giáo dục con trong việc sử dụng mạng an toàn, hiệu quả, cân bằng với Internet thì bản thân mình phải là người tự biết cách quản lý việc sử dụng mạng. Nếu bố mẹ lạm dụng mạng thì rất khó để nói được con cái. Bởi vì con cái thường có xu hướng học qua những hành vi mà bố mẹ thể hiện.

Theo đó, nếu bố mẹ có lỡ bị “nghiện” mạng xã hội thì chỉ còn cách tự cai cho chính bản thân mình thì mới dễ dàng làm gương cho con được. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng nên nhận thức được thông tin nào là an toàn, thông tin nào là nguy hiểm từ mạng xã hội để có thể cho bản thân và con cái một hướng đi đúng đắn.

- Với cương vị là một chuyên gia tâm lý, theo chị, đâu là điều quan trọng nhất mà bố mẹ cần làm để bảo vệ con trên không gian mạng?

- Tôi nghĩ điều quan trọng là bố mẹ nên thân thiết, quan tâm tới con nhiều hơn, trao đổi, chia sẻ, nói chuyện với con hằng ngày để con có thể cởi mở với mình trong mọi chuyện. Mỗi khi lên mạng xã hội thấy những thông tin bổ ích thì nên chia sẻ cùng con để con cũng có thể chia sẻ ngược lại với mình. Nếu phát hiện con có những dấu hiệu sử dụng mạng xã hội quá mức hoặc sai cách thì nên nói chuyện hợp lý để đưa ra lời khuyên, hướng giải quyết cho con. Tuy nhiên, bố mẹ nên khéo léo trong việc trò chuyện, hãy học cách trở thành bạn của con để tránh việc con bị áp lực, tự ái mà phản kháng lại mình.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà!