Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, lan tỏa hình ảnh đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng bạn bè quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sự tham gia chủ động, trách nhiệm, tích cực, hiệu quả của Quân đội nhân dân Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại, làm nhiệm vụ quốc tế - nhất là tham gia các hội nghị quốc tế về an ninh - quốc phòng, tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc cũng như các cuộc diễn tập quân sự quốc tế… đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế đất nước trên thế giới.

Góp phần thiết thực tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định

Cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, hoạt động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng của Quân đội nhân dân Việt Nam đã được triển khai tích cực, chủ động, mềm dẻo, linh hoạt, phát huy tốt sức mạnh tổng hợp, mở rộng hợp tác cả song phương và đa phương, đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực. Trong đó, chúng ta ưu tiên hợp tác, giải quyết tốt mối quan hệ với các quốc gia láng giềng, các quốc gia có ý nghĩa chiến lược, các nước ASEAN và bạn bè truyền thống.

Quan điểm, lập trường của Việt Nam về các vấn đề an ninh khu vực và thế giới được đại diện quân đội ta nêu ra tại những hội nghị, diễn đàn an ninh quốc tế lớn như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), hay Đối thoại Shangri La… với các đối tác là những cường quốc hàng đầu thế giới và khu vực. Với tinh thần hữu nghị, thực tâm thông qua đối thoại và hợp tác thực chất, các cơ chế đối thoại an ninh - quốc phòng quan trọng này đã góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, tạo dựng môi trường hòa bình và ổn định cho sự phát triển của đất nước.

Trong đó, việc ứng phó với một trong những thách thức an ninh lớn nhất khu vực là vấn đề an ninh biển, xử lý các vấn đề trên biển. Các cơ chế đối thoại này đã luôn khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì, thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, cũng như sự cần thiết phải tăng cường sự tin cậy lẫn nhau. Từ đó, thúc đẩy các bên liên quan thực hiện tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động, tránh các hành động làm phức tạp thêm tình hình; theo đuổi các biện pháp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, không cưỡng ép, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Trong những năm qua, kể cả khi xảy ra đại dịch Covid-19, Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng thúc đẩy nhiều hoạt động hợp tác với các nước láng giềng có biên giới liền kề, trong đó phải kể đến các hoạt động tuần tra chung, chia sẻ thông tin, ngăn chặn nạn vượt biên trái phép, đấu tranh phòng chống tội phạm, ngăn chặn dịch bệnh qua biên giới.

Cho đến nay, quân đội ta đã tổ chức 6 lần Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc; tổ chức “Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia”; Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Lào... Trong thời gian tới, Quân đội nhân dân Việt Nam kỳ vọng mở rộng những mô hình giao lưu nói trên sang các nước Tiểu vùng Mê Kông và khối ASEAN vì một mục tiêu: Hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, cùng phát triển với các nước láng giềng có biên giới liền kề nói riêng và trong khu vực nói chung.

Các hoạt động giao lưu hữu nghị biên giới thực chất, hiệu quả đã góp phần khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam, trong đó ưu tiên mối quan hệ với các nước láng giềng có biên giới liền kề, các nước bạn bè truyền thống, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện. Các hoạt động này cũng góp phần đưa hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất hơn, qua đó đóng góp quan trọng cùng chung tay xây dựng các tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, cùng phát triển.

Hoạt động đối ngoại quốc phòng giữ vai trò quan trọng trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh tại nước ta. Việc phối hợp chặt chẽ với các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy... và các tổ chức quốc tế đã giúp giảm tác động của bom, mìn và chất độc hóa học sót lại sau chiến tranh đối với sức khỏe của người dân và các hoạt động kinh tế - xã hội.

Việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế góp phần nâng cao vị thế uy tín của đất nước và Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế

Việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế góp phần nâng cao vị thế uy tín của đất nước và Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế

Chủ động để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

Tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là một điểm sáng, tạo hình ảnh tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trên trường quốc tế. Năm 2014 đánh dấu bước ngoặt Việt Nam tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc bằng việc Bộ Quốc phòng thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam và cử 2 sĩ quan đầu tiên tham gia thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan.

Trong hơn 7 năm qua, Việt Nam đã triển khai thành công các lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc theo hình thức cá nhân và đơn vị. Cho đến nay, Việt Nam đã cử được 246 lượt quân nhân đi làm nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại trụ sở Liên hợp quốc và các phái bộ: Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi. Trong đó có 57 lượt sĩ quan được triển khai theo hình thức cá nhân, hoạt động độc lập. Có 4 sĩ quan tiêu biểu đã xuất sắc vượt qua các vòng thi để trở thành nhân viên tại các cơ quan hoạch định chính sách chiến lược của Liên hợp quốc và tại Sở chỉ huy Phái bộ Cộng hòa Trung Phi.

Đáng chú ý Việt Nam đã cử 33 lượt nữ quân nhân trong đội hình Bệnh viện dã chiến và 5 nữ sĩ quan theo hình thức cá nhân (đạt tỷ lệ 15,5%), cao hơn tỷ lệ trung bình hiện tại của lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại các phái bộ (6,4%). 100% sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đều hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, đảm bảo tuyệt đối an toàn, trong đó 31% được Liên hợp quốc đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ được giao, trong 7 năm qua, lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế. Điều này đã phần nào khẳng định cam kết, trách nhiệm của Việt Nam trong việc đóng góp cho hòa bình thế giới, củng cố lòng tin quốc tế, góp phần hiện thực hóa chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, là cơ hội để quảng bá hình ảnh về đất nước, con người đến bạn bè quốc tế. Đến nay, những chiến sỹ “Bộ đội Cụ Hồ” làm nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình đều được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế tin tưởng, đánh giá cao về trách nhiệm, năng lực, khả năng hội nhập, kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Cùng với sự hội nhập sâu rộng của đất nước, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tham gia nhiều hoạt động chung với quân đội các nước trong các hoạt động diễn tập, hợp tác để ứng phó với những thách thức an ninh chung, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, ngăn ngừa va chạm, xung đột. Trong đó, Hải quân nhân dân Việt Nam đã tham dự cuộc tập trận hàng hải đa quốc gia Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) với sự tham gia của hàng chục quốc gia cùng hàng trăm tàu chiến, máy bay, hàng chục nghìn nhân viên quân sự. Quân đội ta cũng tham gia và đạt thứ hạng cao tại các cuộc thi đấu giữa quân đội các nước như Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games)…

Có thể nói, sự tham gia chủ động và trách nhiệm của quân đội ta trong các hoạt động hội nhập, đối ngoại và làm nhiệm vụ quốc tế đã góp phần xây dựng lòng tin chiến lược, tạo thế chủ động để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, đồng thời lan tỏa hình ảnh đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng bạn bè quốc tế.