Bảo vệ người yếu thế

ANTĐ - Đúng ngày 1-5 tới, Bộ luật Lao động chính thức có hiệu lực. Thật là có ý nghĩa khi nhiều điểm mới được quy định khá đầy đủ và cụ thể, khắc phục những bất cập của Bộ luật Lao động cũ. Đặc biệt là quan hệ lao động được mở rộng, vai trò của người lao động, doanh nghiệp được đề cao hơn. Các nghị định và thông tư hướng dẫn thực hiện Luật cũng đang được gấp rút hoàn thiện và trình Chính phủ.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, có những điều, khoản mới chỉ quy định mang tính nguyên tắc, quy định khung nên phải có nghị định của Chính phủ quy định chi tiết để tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện. Quan trọng nhất là phải làm thế nào để doanh nghiệp, cũng như người lao động hiểu đúng và thực hiện đúng những chính sách, quy định của pháp luật. Điểm mới nổi bật của bộ luật này là kịp thời thể chế hóa mục tiêu quan điểm của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn mới và phù hợp với định hướng sửa đổi Hiến pháp 1992. Đơn cử,  Bộ luật Lao động có nội dung mới quy định về hợp đồng lao động, cho thuê lại lao động, đối thoại tại nơi làm việc, lao động giúp việc gia đình… Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, bộ luật mới sẽ có tác động mạnh bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích chính đáng của người sử dụng lao động trong việc tuyển chọn và sử dụng lao động thông qua các quy định về hợp đồng lao động, quy định quyền đóng của doanh nghiệp trong thời gian đình công, quy định về thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể… 

Một trong những điểm “nóng”  được người lao động băn khoăn và lo ngại là tình trạng doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), ảnh hưởng nặng nề tới quyền lợi của người lao động sẽ được giải quyết ra sao? Tính đến hết năm 2012, số tiền nợ đọng suýt soát 6.000 tỷ đồng, thì hết quý I năm nay, lũy kế nợ đã lên tới 9.200 tỷ đồng. Thậm chí, có lúc nợ đọng BHXH vọt lên đến 10.400 tỷ đồng. Ngoài khó khăn chung về suy giảm kinh tế, rất nhiều doanh nghiệp nợ như “chúa Chổm” cũng không chịu nộp BHXH cho người lao động chính là vì mức xử phạt hiện nay quá nương nhẹ. Quy định mức phạt chậm đóng cao nhất là 30 triệu đồng và lãi suất chậm đóng là 11% (tức là thấp hơn nhiều so với lãi suất vay ngân hàng) nên doanh nghiệp nợ đọng BHXH để có vốn quay vòng. Vô lý hơn, doanh nghiệp nợ đọng 2 tỷ đồng và doanh nghiệp nợ đọng 100 tỷ đồng cùng đánh đồng mức xử phạt 30 triệu đồng. Bởi vậy, Bộ trưởng LĐ-TB&XH đã đề nghị Bộ Tư pháp xem xét sửa luật để xử lý hình sự doanh nghiệp nợ đọng tiền BHXH của người lao động.

Đây là bộ luật có độ “phủ sóng” rộng lớn, bao trùm hàng chục triệu người lao động. Luật pháp là sự đảm bảo bình đẳng, công bằng, quyền lợi của mọi công dân. Tuy nhiên, trong quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động, người lao động luôn yếu thế và cần được bảo vệ hơn.