Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và kiên định đường lối đổi mới ở Việt Nam hiện nay

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” có tính định hướng rất cao. Bên cạnh tính định hướng là thái độ kiên quyết đấu tranh, phản bác mọi luận điệu sai trái, bóp méo; đồng thời kiên định, kiên trì bảo vệ mục tiêu và đường lối chính trị mà đất nước và dân tộc Việt Nam chúng ta đã lựa chọn.
Những thành tựu của Việt Nam không phải là một sự may mắn, ngẫu nhiên mà là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực khai triển Đổi mới phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta (Trong ảnh: Hà Nội phát triển không ngừng, thể hiện nhịp độ của một thành phố sáng tạo, Thủ đô xanh - sạch - đẹp - văn minh)

Những thành tựu của Việt Nam không phải là một sự may mắn, ngẫu nhiên mà là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực khai triển Đổi mới phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta

(Trong ảnh: Hà Nội phát triển không ngừng, thể hiện nhịp độ của một thành phố sáng tạo, Thủ đô xanh - sạch - đẹp - văn minh)

Sự kiên định, kiên trì của người đứng đầu đảng cầm quyền

Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được công bố vào thời điểm kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và cả nước nỗ lực tổ chức thành công bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, trong bối cảnh chung Việt Nam cùng cả thế giới phải chiến đấu với đại dịch Covid-19. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi từ thực tiễn khách quan, thể hiện sự kiên định, kiên trì của người đứng đầu đảng cầm quyền có bề dày hơn 91 năm tập hợp lực lượng và lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm cách mạng, giành lại độc lập dân tộc, tiến hành công cuộc Đổi mới trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH).

Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là câu trả lời xác đáng trước mọi sự đi từ hoài nghi, bối rối, bi quan, cho đến dao động, nghi ngờ đối với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản và con đường, mục tiêu, thành quả đi lên của Việt Nam chúng ta. Bởi một lẽ, trong các tầng lớp nhân dân nếu còn hoài nghi, bối rối, dao động, thì kẻ xấu là những đối tượng cơ hội chính trị, phản động, thù địch sẽ len lỏi tranh thủ chống phá, gây rối.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định rằng, sau khi mô hình CNXH ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ, các thế lực chống cộng, cơ hội chính trị đã “hí hửng, vui mừng, thừa cơ dấn tới để xuyên tạc, chống phá” (1). Họ cho rằng, nguyên nhân tan rã của Liên Xô và một số nước Đông Âu là do “sai lầm của Chủ nghĩa Mác - Lênin và sự lựa chọn con đường xây dựng CNXH”. Đó là những luận điệu tiêu cực, xuyên tạc nhằm hướng lái con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Bởi vậy, chúng ta cần phải kiên quyết đấu tranh, phản bác các luận điệu hết sức sai trái đó, đồng thời kiên trì bảo vệ mục tiêu, con đường đã chọn, vì “chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc” (2).

Cần thống nhất về nhận thức và hành động 3 nội dung

Đấu tranh tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ sự tồn vong chế độ, bảo vệ con đường đi lên CNXH là cuộc đấu tranh hết sức gay gắt, phức tạp. Do đó, chúng ta cần thống nhất về nhận thức và hành động 3 nội dung:

- Thứ nhất: Kiên trì bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ con đường đi lên CNXH mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Mở đầu bài viết, Tổng Bí thư đã lý giải việc đặt trở lại vấn đề: “Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa”. Bởi sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu tan rã, các thế lực chống cộng, cơ hội chính trị đã gia tăng các hoạt động chống phá, xuyên tạc, tấn công, phủ nhận con đường đi lên CNXH của Việt Nam. Trong hàng ngũ cách mạng cũng có những người “bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của CNXH”; thậm chí có người còn “phụ họa với các luận điệu thù địch, công kích, bài bác CNXH, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản” (3). Điều này hết sức nguy hại, có tác động tiêu cực đến tâm lý chính trị của không ít cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bởi vậy, kiên quyết đấu tranh để bảo vệ con đường và mục tiêu đi lên CNXH, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng là nhiệm vụ tối thượng hiện nay. Cuộc đấu tranh đó chắc chắn còn nhiều khó khăn, gian khổ, song chúng ta không thể khoan nhượng, chùn bước mà phải quyết tâm loại bỏ những tư tưởng tiêu cực, kéo lùi lịch sử; đồng thời, đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, làm lung lay lập trường giai cấp để bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ đường lối cách mạng, khoa học mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

- Thứ hai: Tăng cường đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Hiện nay, các thế lực xấu, thù địch luôn tìm mọi thủ đoạn để can thiệp, chống phá, gây mất ổn định, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ CNXH ở Việt Nam. Bằng mọi phương thức, thủ đoạn, họ hướng tới mục tiêu “giành giật nhân dân”, chống phá Đảng, từ đó hướng lái dư luận xã hội, gây hoang mang và làm giảm niềm tin của nhân dân đối với những chủ trương, đường lối của Đảng. Cùng với việc kiên quyết đấu tranh chống những quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, để tránh chủ quan, giáo điều, trì trệ và lạc hậu về lý luận, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung Chủ nghĩa Mác - Lênin một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học “để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại…” (4), là nền tảng lý luận vững chắc của Đảng. Mặt khác, cần vận dụng Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh với tinh thần biện chứng, khoa học nhằm xây dựng xã hội hướng tới “các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người” (5).

- Thứ ba: Kiên quyết đấu tranh khẳng định, bảo vệ sự thành công của công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, lãnh đạo. Sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực. Nền kinh tế nước ta thoát khỏi khủng hoảng, ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008 và duy trì được tốc độ tăng trưởng nền kinh tế tương đối cao với mức trung bình khoảng 7% mỗi năm, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đã đạt mức 0,704 (năm 2019), thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển. Đặc biệt, những kết quả đạt được trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu được nhân dân và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, thể hiện tính ưu việt của CNXH.

Những thành tựu đó không phải là một sự may mắn, ngẫu nhiên mà là “sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta” (6). Thành quả đó một lần nữa khẳng định con đường đi lên CNXH của chúng ta là đúng đắn, “phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”. Đây là những câu trả lời hết sức thuyết phục, là sự thật không thể đảo ngược cho những ai còn nghi ngờ, thậm chí “sám hối” về con đường đi lên CNXH và phủ nhận đường lối đổi mới, thành tựu mà Đảng và nhân dân ta đạt được.

Như vậy, để hiện thực hóa CNXH với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, trước hết chúng ta vừa phải kiên định mục tiêu CNXH, đường lối đổi mới và giữ vững thành quả cách mạng, phát triển kinh tế; vừa phải kiên trì đấu tranh nhằm ngăn chặn, loại trừ mặt tiêu cực, những phần tử bảo thủ, thoái hóa, biến chất; đấu tranh chống các thế lực thù địch xuyên tạc, đòi bác bỏ chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng và Nhà nước ta...

Cuộc đấu tranh đó đòi hỏi chúng ta cần phải: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước” (7). Đây là quan điểm chỉ đạo, đồng thời cũng là định hướng xuyên suốt mà Đảng ta đặt ra trong chặng đường tiếp theo để xây dựng nước Việt Nam hùng cường, có thể sánh vai cùng bè bạn năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn.

(1), (2), (3), (4), (5), (6), Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2021, tập I, tr.110.