Bảo vệ lợi ích người lao động

ANTĐ - Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII diễn ra vào tháng 10 tới, Luật Phá sản sẽ được trình lên Quốc hội. Sau 9 năm thực thi, luật này bộc lộ nhiều bất cập, nhiều quy định nửa vời, chưa đầy đủ, thiếu rõ ràng và mơ hồ. Có những quy định mâu thuẫn, chưa tương thích với các luật khác, khiến doanh nghiệp “sống không được, chết không xong”. Đó là ý kiến của Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội về dự thảo Luật Phá sản sửa đổi sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, góp ý kiến.

Theo thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao, trong 3 năm, ngành tòa án chỉ nhận được 636 đơn yêu cầu được phá sản, nhưng chỉ ra được quyết định tuyên bố phá sản có 45 vụ. Con số này chứng tỏ việc thực thi pháp luật phá sản “có vấn đề” và hầu như chưa đi vào cuộc sống.

Đặc biệt, theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư, trong nửa đầu năm 2013, đã có 516 doanh nghiệp nước ngoài bỏ trốn, với tổng số vốn hơn 900 triệu USD. Hậu quả để lại là hàng chục nghìn công nhân bị nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương 4-5 tháng có nguy cơ mất trắng. Nhiều địa phương thất thu thuế, nhiều ngân hàng phải gánh nợ xấu. Thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, phần lớn do doanh nghiệp yếu kém về tài chính làm ăn thua lỗ, không còn khả năng trả nợ nên chủ doanh nghiệp lặng lẽ bỏ trốn. Không ít doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo vay vốn ngân hàng, huy động vốn của người mua nhà rồi “ôm” tiền bỏ trốn. Hiện tượng trên đã kéo dài suốt 10 năm qua và ngày càng gia tăng, song để ngăn chặn là điều không dễ. Tuy nhiên, có một nguyên nhân sâu xa là những lỗ hổng pháp lý cũng như cơ chế quản lý hoạt động của khu vực doanh nghiệp này.

Đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn tới doanh nghiệp  nước ngoài “mất tích” là vì thủ tục giải thể rất phức tạp, mất thời gian thường từ một năm trở lên và không thể thanh toán đủ các khoản nợ. Hơn thế, theo Luật Phá sản, để xác định một doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản thì doanh nghiệp đó phải không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ yêu cầu. Trên thực tế, quy định này rất khó thực hiện. Mặc khác, việc thu hồi vốn sau khi doanh nghiệp tuyên bố phá sản gặp nhiều khó khăn nên rất ít doanh nghiệp “tự nguyện” nộp hồ sơ xin phá sản. Bản thân các cơ quan, quản lý, giám sát cũng yếu kém, hầu như không phát hiện được “triệu chứng” phá sản. Ngay cả việc thanh lý các doanh nghiệp bỏ trốn có các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản cũng không dễ dàng, nhất là việc thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư khác. 

Làm thế nào giải quyết được những “điểm nghẽn” của Luật Phá sản? Đây không chỉ là công cụ bảo vệ quyền lợi của chủ nợ, giúp con nợ rút lui một cách trật tự, đúng luật mà quan trọng hơn là bảo vệ lợi ích người lao động với nỗi lo lớn nhất là… mất trắng.