Bảo vệ các dòng sông khỏi tay "cát tặc"

ANTD.VN - Với lợi nhuận “khủng”, mỗi ngày có thể bỏ túi nửa tỷ đồng từ hoạt động khai thác cát trái phép, sai phép, chính vì thế, vài năm trở lại đây, hoạt động khai thác cát trên các tuyến sông chảy qua địa bàn Hà Nội luôn là vấn đề “nóng”. Trong ngày đầu năm, phóng viên Báo An ninh Thủ đô kể lại với bạn đọc hành trình thâm nhập “cát tặc” và quyết tâm xử lý triệt để truy quét “cát tặc” của Công an Hà Nội.

Nhiều doanh nghiệp, công ty cố “chạy” cho mình có được “lá bùa” của cơ quan quản lý cấp phép, chấp thuận cho hoạt động khai thác hay thực hiện dự án nạo vét luồng thủy nội địa và kết hợp tận thu sản phẩm để mặc sức khai thác. Chính vì vậy,… cuộc chiến chống “cát tặc” chưa bao giờ ngừng nghỉ!

Bảo vệ các dòng sông khỏi tay "cát tặc" ảnh 1Lực lượng Cảnh sát đường thủy Công an Hà Nội kiểm tra tàu vi phạm về khai thác cát

Xé toạc màn đêm

Trong hành trình thâm nhập thế giới “cát tặc” dọc sông Hồng và sông Đuống (đoạn chảy qua địa bàn Hà Nội), phóng viên đã ghi nhận lại nỗi khổ của người dân sống trên bờ hai con sông này. Hàng đêm, họ bị tra tấn bởi âm thanh gầm rú của những tàu hút, tàu cuốc sục sạo dòng sông để khai thác cát.

Cứ vào khoảng 22h đêm những ngày đầu hè năm 2016, dù đã hết thời gian cơ quan chức năng cho phép khai thác hay nạo vét luồng, thế nhưng tại khu vực cầu Thăng Long, hàng chục chiếc tàu hút và tàu cuốc buông neo tại khu vực thuộc thôn Yên Hà (xã Hải Bối) hay Võng La (xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội) thi nhau hút cát. Những âm thanh chát chúa của những “tòa nhà di động” rầm rầm, gây náo loạn cả khúc sông. 

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, người thôn Yên Hà, xã Hải Bối khi ấy đã cho biết, nạn hút cát trộm nơi đây diễn ra trong thời gian khá dài, người dân không thể nào sống yên ổn bởi những âm thanh xé toạc màn đêm. Chung cảnh ngộ như ông Tuấn, ông Nguyễn Ngọc Tuyết, nhà ở cạnh chùa Bạch Sam, xã Võng La (Đông Anh) cũng bức xúc, đếm sơ qua chỉ trên một đoạn sông ngắn mà có tới vài chục con tàu có công suất lớn thi nhau “oanh tạc” dòng sông. Ngoài tàu khai thác thì những chiếc tàu chở hàng có trọng tải hàng trăm tấn cũng thi nhau gầm rú mỗi khi từ bờ chạy ra “ăn hàng”. Thôn Võng La hiện có gần 30 hộ sống ở ven sông và không hộ nào thoát khỏi tình trạng bãi trồng hoa màu bị sạt lở.

Hành trình thâm nhập của phóng viên

Sau nhiều ngày nhóm phóng viên sử dụng ô tô đi dọc đê trên hai tuyến sông này để tác nghiệp, khi đã có những tư liệu cần thiết, chúng tôi quyết định theo chân vạn chài xuôi, ngược trên sông. Ngày đầu tiên, việc quan sát, ghi hình tương đối thuận lợi, nhưng sang ngày thứ hai đi tới đoạn gần cầu Nhật Tân (hướng ngược sông về Chèm), khi phóng viên sử dụng máy quay ghi hình bỗng xuất hiện một chiếc xuồng máy đeo bám. Sau khi quan sát khá kỹ chiếc thuyền của phóng viên, chiếc xuồng máy tăng ga chuyển hướng vào bờ (đoạn thuộc địa bàn phường Phú Thượng, quận Tây Hồ). Chính vì vậy, những ngày tiếp theo, phóng viên đã phải sử dụng nhiều loại tàu khác nhau để tiếp tục hành trình thâm nhập thế giới “cát tặc”.

Theo kinh nghiệm của anh Nguyễn Văn H. (người lái thuyền, quê Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, được phóng viên thuê chở) chia sẻ, người không biết thì cứ nghĩ trên sông ai muốn làm gì thì làm, nhưng không phải như vậy. Hàng ngày, hàng giờ có bao con thuyền xuôi ngược trên sông đều bị “chim lợn” của dân “cát tặc” nắm bắt khá chặt chẽ. “Chim lợn” có nhiệm vụ chuyên cảnh giới, thông báo tình hình, thấy “động” sẽ báo cho “cát tặc” rút lui hoặc dừng hút cát. 

Những người chuyên đánh cá như anh Hải, bình thường đi lại thì không sao nhưng chỉ cần bỏ đồ ra hành nghề ở khúc sông khác là các thuyền cá ở khu vực đó xúm lại ngay. Trên sông cũng có bến bãi, cũng xếp “nốt” theo thứ tự. Chỉ cần một tàu lạ đi qua là sẽ bị nhận dạng. Màn thăm hỏi đầu tiên là ngoài chiếc ca nô “chim lợn” thì còn có những tàu lớn chạy sát thuyền thị uy, đe dọa. Không cẩn thận thuyền rất dễ bị lật. 

Tưởng chỉ là chuyện giáo huấn, khoe khoang của người lái thuyền nhưng đó là sự thật. Bởi trong quá trình tác nghiệp, ngoài gặp phải sự cản trở, hù dọa của các đối tượng liên quan đến “cát tặc” thì phóng viên còn gặp vô số những can thiệp khác… khiến nhiều lúc tưởng chừng như nhiệm vụ phải bỏ dở giữa chừng. 

Cuộc chiến không khoan nhượng

Được nghe kể cũng như trực tiếp chứng kiến sự manh động, hung hãn của “cát tặc”, phóng viên phần nào hình dung được những khó khăn, phức tạp trong cuộc chiến chống lại loại tội phạm này. Tuy vậy, dù khó khăn tới đâu, lực lượng Công an Hà Nội vẫn kiên quyết không khoan nhượng, không để “cát tặc” hủy hoại các dòng sông. Đại tá Đào Thanh Hải, Phó giám đốc CATP Hà Nội cho biết, thời gian qua thành phố Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp, kế hoạch nhằm xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông chảy qua địa bàn Hà Nội, trong đó có việc thành lập tổ công tác hoạt động độc lập, quyết tâm truy quét “cát tặc”.

Sau khi chủ trì và phối hợp với Công an 8 tỉnh giáp ranh (gồm CATP Hà Nội và Công an các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Phú Thọ, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc) tổ chức hội nghị trao đổi về TTATGT đường thủy nội địa, đồng thời ký kết Quy chế phối hợp bảo đảm ANTT, lực lượng “141 trên sông” của Công an Hà Nội cũng đã được hình thành. Lực lượng này đã  được tạo thế liên hoàn, chủ động tấn công trấn áp mạnh, dập tắt ý đồ chống đối manh động của các đối tượng “cát tặc”, trả lại bình yên cho các dòng sông cũng như đời sống của người dân ven sông.

Từ 16-1-2015 đến 15-11-2016, CATP Hà Nội:

  • Bắt giữ 177 vụ
  • 208 đối tượng 
  • 4 tổ chức
  • 208 phương tiện
  • Xử phạt gần 3,3 tỷ đồng