Bảo tồn húng Láng: Còn mấy ai mặn mà?

ANTĐ - Đề án bảo tồn cây húng Láng, một trong những cây rau gia vị nổi tiếng vừa được giao Sở NN&PTNT Hà Nội đưa ra bàn thảo. Tuy nhiên, phương án bảo tồn ra sao, tâm tư nguyện vọng của người dân trồng húng Láng bao đời nay vui buồn thế nào, và liệu rằng, mấy ai còn mặn mà với cây  rau đã đi vào ca dao này?

Húng Láng cũng chỉ còn trồng xen canh với các loại rau khác

Đề nghị bảo tồn húng Láng

Húng Láng là húng thơm được trồng tại làng Láng thuộc phường Láng Thượng - quận Đống Đa (xưa thuộc xã Yên Lãng - gần cửa Bảo Khánh - thành Thăng Long). Húng trồng ở làng Láng có mùi thơm dịu hơn các loại húng khác như húng quế, húng chó, húng giổi... Húng Láng từng được nhắc đến trong câu ca dao về đặc sản Hà Nội. “Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm; Cá rô đầm Sét, sâm cầm hồ Tây”.

Tuy nhiên, cùng với quá trình đô thị hóa, đất trồng húng Láng đã bị thu hẹp dần, cùng với đó là sự chuyển đổi kinh tế, cây húng Láng dần dà không còn được người dân mặn mà do hiệu quả kinh tế thấp. Những luống húng Láng chỉ còn sống lay lắt giữa những dãy nhà cao tầng mọc lên. Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, diện tích sản xuất húng Láng hiện còn khoảng 2.000m2, gồm 48 hộ dân canh tác nhưng rất manh mún và gặp khó khăn về nguồn nước tưới. Sở này nhận định, diện tích trồng húng Láng có thể giảm mạnh thời gian tới. Do vậy, Sở NN&PTNT đề xuất chương trình bảo tồn nguồn gene húng Láng; gìn giữ nguồn gene cây trồng quý để bảo tồn đa dạng sinh học trong nông nghiệp Hà Nội; cung cấp cho thị trường đặc sản nông nghiệp chất lượng cao. Theo đó, Sở này đưa ra hai phương án bảo tồn: bố trí một số diện tích để trồng tại chính khu vực làng Láng (phố Chùa Láng); chuyển vị, bảo tồn gene tại ngân hàng gene của Bộ NN&PTNT.

Mấy người còn hào hứng

Húng Láng là loại rau thơm không thể thiếu với nhiều món ăn miền Bắc

Tuy nhiên, cả hai phương án này đều có những khó khăn nhất định. Với phương án thứ nhất, phần lớn những người dân còn trồng húng Láng không tỏ ra hào hứng. Ông Đặng Văn Đắc, ở phố Chùa Láng, một trong những xã viên của HTX Láng Thượng, hiện vẫn còn gần 1 sào đất để trồng rau các loại gồm cả húng Láng. Hỏi ông, sao không trồng chuyên húng Láng mà trồng xen canh các loại rau khác, ông cho biết, húng Láng khó tiêu thụ mà hiệu quả không bằng trồng các loại rau xanh. Đề cập đến việc bảo tồn rau húng Láng, ông Đắc nói: “Tôi chưa biết đến thông tin này, nhưng bảo tồn để làm gì, làm gì còn đất để trồng, với lại, ai sẽ là người trồng”. Ông Đắc vừa dứt lời thì cô con dâu phụ giúp nhổ cỏ nói thêm: “Đất này đã nằm trong dự án cả rồi, tôi nghĩ, thu hồi thì thu hồi luôn, chứ rau cỏ bây giờ có ai làm đâu”. 

Cùng tâm tư trên là bà Đỗ Thị Tất cùng ở phố Chùa Láng băn khoăn: “Không biết người ta định bảo tồn húng Láng ở đâu, chứ đất Láng làm gì còn nữa”. Tuy nhiên, theo người dân ở đây, thì chỉ khi rau húng Láng được trồng trên chính đất chùa Láng mới có vị thơm mát, đưa đi nơi khác trồng không còn vị như vậy nữa. “Giờ nhiều nơi trồng húng Láng lắm, nhưng cầm trên tay so sánh về mùi vị sẽ thấy sự khác biệt rõ giữa rau húng Láng được trồng trên đất Láng và húng Láng trồng ở nơi khác”, bà Tất cho biết. 

Không chỉ xã viên không mấy mặn mà, ngay chủ nhiệm HTX Láng Thượng cũng không mấy quan tâm với đề án bảo tồn loại rau gia vị quý nói trên. Ông Lâm Văn Thanh, Chủ nhiệm HTX Láng  Thượng cho biết, HTX còn 151 xã viên, nhưng đã chuyển đổi từ nông nghiệp sang các ngành nghề dịch vụ khác. Toàn bộ diện tích đất mà HTX đang quản lý được người dân sử dụng trồng trọt đã nằm trong quy hoạch mở đường và diện  tích cho cây xanh. Bởi vậy, HTX nông nghiệp cũng chỉ còn tồn tại trong thời gian không lâu nữa. Có lẽ, cũng do vậy mà ông chủ nhiệm HTX không tỏ ra mặn mà với cây húng Láng. Bởi, diện tích giờ trồng húng Láng bao nhiêu ông cũng không nắm được. Và, ông cũng không nắm được người dân sử dụng số diện tích đất ít ỏi còn lại để làm gì!

Còn theo PGS.TS Trần Khắc Thi (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả) nhận định, các phương án bảo tồn húng Láng rất khó khả thi. Húng Láng nếu mang đi trồng nơi khác, e rằng không bảo tồn được. Sở dĩ loại rau này được coi là đặc sản, chủ yếu do hương vị, và phải được trồng trong điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt (khu vực Chùa Láng). Ông Thi cho biết: “Bảo tồn húng Láng là cần thiết. Nhưng điều đó chỉ mang giá trị tinh thần, chứ không đem lại nhiều giá trị kinh tế. Và, hiện có nhiều thứ cần phải làm hơn là bảo tồn húng Láng”.