Bão số 8 bẻ hướng vào Ninh Bình - Hải Phòng

ANTĐ - Không đi xuống phía Nam như dự báo, bão số 8 (Sơn Tinh) trong hôm qua 28-10, đã ngoặt lên phía Bắc, mạnh lên cấp 13-14, tràn vào đất liền các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng.

Người dân thôn 5 (xã Nga Tân, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) chằng buộc lại mái nhà chống bão

Bởi vậy, tại các tỉnh này đã phải thực hiện di dân khẩn cấp, kéo dài từ đêm 27 sang ngày 28. Ngoài ra, đến rạng sáng nay 29-10, bão số 8 mới đổ bộ vào đất liền, muộn hơn dự báo ban đầu của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương 1,5 ngày.

Từ sáng sớm 28-10, trên đất liền các tỉnh đã có gió mạnh và mưa cục bộ. Mưa diễn ra trên địa bàn các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên- Huế với tổng lượng mưa từ 50-100mm. Một số nơi có mưa lớn như Cẩm Nhượng (Hà Tĩnh) 173mm, Hương Sơn 154mm, Mai Hóa (Quảng Bình) 139mm… Đến 4h sáng nay,  vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Quảng Ninh - Thái Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, 9, giật cấp 10, cấp 11. Sau khi đổ bộ vào đất liền các tỉnh Quảng Ninh- Thái Bình, bão số 8 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Vịnh Bắc bộ. Nhận định về sự thay đổi này, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm DBKTTV Trung ương cho biết, bão số 8 đi sát dọc bờ biển các tỉnh từ miền Trung ra khu vực Bắc bộ, nên phạm vi ảnh hưởng rộng.

Tại Thanh Hóa, ngay từ sáng qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công điện khẩn sơ tán 12.125 hộ/53.000 nhân khẩu thuộc 34 xã của các huyện ven biển đến nơi tránh bão an toàn. Đây là những hộ dân sống trong khu vực cách mép nước biển 200m. Xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, nơi có đến 1.812 hộ phải di dời, ngay sau khi nhận được lệnh di dời dân của tỉnh, các cấp chính quyền và ban, ngành đoàn thể đã sẵn sàng ứng trực, vận động người dân di dời đến nơi an toàn. Các cơ sở trường học, nhà cao tầng đã được chuẩn bị để đón dân. Việc tuyên truyền, di dời dân được phát liên tục trên loa phóng thanh của xã, đồng thời các hiệu lệnh như kẻng, còi hú, trống... được đồng loạt cất lên để báo động cho nhân dân sẵn sàng di dời.   

Tại Ninh Bình, nơi tâm điểm đổ bộ của bão số 8, chiều qua 28-10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Trưởng BCĐ PCLB Trung ương dẫn đầu đoàn công tác đến kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 8 tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Tại đây, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu rà soát kỹ việc sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, chủ động thực hiện phương án “4 tại chỗ”. Các xã vùng trọng điểm sẵn sàng các phương án cứu hộ cần thiết, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống. Sau bão sẽ có hoàn lưu gây mưa lớn ở mức trên 200mm, hệ thống sông Hoàng Long ở địa bàn các huyện Nho Quan, Gia Viễn nhiều khả năng xuất hiện lũ lớn, phải có phương án ứng phó kịp thời. Tỉnh này cũng đã trích 500 triệu đồng từ ngân sách để phục vụ sơ tán dân khẩn cấp.

Huyện ven biển Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) đến chiều tối qua gió giật mạnh cấp 9, cấp 10. Tỉnh đã tăng cường 115 chiến sĩ Bộ đội Biên phòng, 200 Công an, 500 chiến sĩ Quân đội và dân quân tự vệ trực tiếp xuống các địa bàn trọng yếu giúp nhân dân sơ tán tài sản, vật nuôi, bảo vệ khu nuôi trồng thủy sản. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã cấp 15.000m2 bạt, 200 bao cát, 100 cuốc, xẻng, 10 nhà bạt để chống bão. 

Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng của mưa sau bão, UBND TP Hà Nội đã có công điện yêu cầu các cấp, khẩn trương triển khai các phương án đối phó với hoàn lưu của bão số 8 có thể gây mưa lớn trên địa bàn TP. Theo đó, UBND TP yêu cầu các Sở, ngành và địa phương tăng cường kiểm tra, kiên quyết sơ tán dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở và các khu nhà nguy hiểm đến nơi an toàn. Công ty Thoát nước Hà Nội tập trung kiểm tra, rà soát các công trình chống úng ngập, giải tỏa ngay các vật cản; triển khai biện pháp tăng cường tiêu thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành; có giải pháp cụ thể đối với từng điểm thường xuyên úng ngập cục bộ. Các công ty thủy lợi chủ động thực hiện tiêu nước đệm và kiểm tra vận hành các công trình đáp ứng yêu cầu chống úng ngập khi có mưa. Công ty Công viên cây xanh bảo đảm xử lý nhanh các sự cố cây đổ.

Sẽ đề nghị loại bỏ tên bão Sơn Tinh

Việc lấy tên một vị phúc thần - Sơn Tinh đặt tên cho bão số 8 được dư luận cho rằng không phù hợp. Về điều này, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm DBKTTV Trung ương cho biết, việc đưa ra danh sách các tên đề cử được thực hiện theo đúng trình tự, đã được Viện Ngôn ngữ Việt Nam thẩm định và khẳng định đó là những cái tên thuần túy Việt Nam. Ủy ban bão của khu vực chỉ chọn 10 tên do chúng ta đề cử, trong đó có: Conson, Saola, Songda, Sontinh, Lekima, Saomai, Bavi, Tramy, Halong, Vamco”, ông Hải cho biết.

Theo ông Hải, mỗi năm Ủy ban họp một lần, việc đề cử tên mới, loại tên cũ ra khỏi danh sách cũng được bàn thảo và đi đến quyết định cuối cùng. Ông Bùi Văn Đức, Tổng Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia cho rằng, sẽ kiến nghị để rút lại tên bão Sơn Tinh trong phiên họp thường niên của Ủy ban bão của khu vực.

Rất khó dự báo!

Bão số 8 được nhận định là cơn bão mạnh và phức tạp. Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm DBKTTV Trung ương cho biết, bão Sơn Tinh kể từ thời điểm hình thành (ngày 24-10), di chuyển với tốc độ rất nhanh, có thời điểm lên đến 35-40km/h. Trung bình từ 20-25km/h. Hơn nữa, trong ngày 27-10, bão có sự thay đổi đột ngột cả về hướng di chuyển lẫn cường độ. Theo đó, bão số 8 đột ngột bẻ hướng di chuyển mạnh lên phía Tây Tây Bắc, và cuối ngày 27-10 đã tăng thêm 2 cấp, đạt cấp 14, giật cấp 15, trở thành siêu bão. Di chuyển phức tạp, luôn thay đổi hướng, nên theo ông Tăng, bão số 8 đã làm khó các cán bộ dự báo khí tượng. Đến chiều tối ngày 26, Trung tâm DBKTTV Trung ương vẫn chưa thể xác định được nơi tâm bão đổ bộ. Đến trưa chiều 28-10, thời điểm cụ thể bão đổ bộ cũng chưa thể dự đoán được. 

Còn theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, trong gần 10 năm làm công tác chỉ huy PCLB vừa qua, đây là cơn bão có tốc độ di chuyển nhanh nhất trong số các cơn bão ở khu vực Biển Đông. Ngoài ra, bão số 8 cũng là cơn bão có cường độ mạnh nhất đổ bộ trực tiếp vào đất liền nước ta kể từ đầu năm đến nay. 

Tin cùng chuyên mục