Bão số 7 suy yếu, bão số 8 ngấp nghé vào Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, vào cuối giờ sáng nay, 10/10, bão số 7- Lionrock đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, rồi vùng áp thấp và đi vào đất liền các tỉnh Hải Phòng-Thanh Hóa.

Bão Kompasu giật cấp 13 khi vào Biển Đông

Từ chiều nay 10/10 đến ngày mai, 11/10, ở Bắc bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 100-150mm, riêng Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai có nơi trên 200mm; ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 80-120mm, có nơi trên 150mm.

Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Trong khi đó, bão Kompasu được dự báo đi vào Biển Đông trong ngày mai, 11/10, trở thành cơn bão số 8 trong năm nay.

Bão Kompasu được dự báo đi vào Biển Đông trong ngày mai, 11/10

Bão Kompasu được dự báo đi vào Biển Đông trong ngày mai, 11/10

Vào đầu giờ chiều nay, bão Kompasu đang mạnh cấp 9, giật cấp 11. Khoảng đầu giờ chiều mai, vị trí tâm bão Kompasu ở khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 123,5 độ Kinh Đông, cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 160km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.

Bão Kompasu có tốc độ di chuyển rất nhanh, từ 25km/h và được dự báo tiếp tục mạnh lên. Khi vào Biển Đông vào đêm mai, bão Kompasu đạt cấp 10-11, giật cấp 13. Tuy vậy, khi di chuyển đến khu vực quần đảo Hoàng Sa, cường độ bão Kompasu có xu hướng giảm.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, đây là một cơn bão mạnh khi ở trên biển (cấp 10-11), di chuyển nhanh (25km/h) và có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc bộ và phía Bắc của Trung bộ trong khoảng ngày 13-14/10 và có thể gây ra một đợt mưa lớn cho các khu vực này trong giai đoạn 13-15/10.

Sau đó, ngày 16-17/10 sẽ xuất hiện một áp thấp nhiệt đới hoặc bão khác trên Biển Đông.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương có giải pháp hỗ trợ người dân từ phía Nam về quê

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương có giải pháp hỗ trợ người dân từ phía Nam về quê

Đề nghị các địa phương hỗ trợ người dân từ phía Nam ra

Tại cuộc họp chỉ đạo ứng phó mưa lớn do hoàn lưu bão số 7 và bão Kompasu, Phó thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý, dòng người từ các tỉnh, thành phía Nam di chuyển về quê đúng thời điểm có bão, đề nghị phải giao trách nhiệm cho các địa phương để có giải pháp thật cụ thể nhằm đảm bảo an toàn cho bà con.

Phó Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai giao trách nhiệm cho các địa phương không chủ quan vì "nếu bão vào đúng tuyến đường di chuyển thì làm sao người dân có chỗ trú tránh". "Các đồng chí cần bàn kỹ giải pháp cho tình huống có Covid-19, có dòng người di chuyển. Các địa phương có thể đã có phương án, nhưng không cẩn thận có thể bỏ sót", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, đã đề nghị các tỉnh, thành phố gồm TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương trong 10 ngày tới thông tin đến người dân nguy cơ thiên tai từ Hà Tĩnh trở ra, đặc biệt là các điểm gây ngập lụt trên quốc lộ 1. "Thông tin không phải để cấm về quê mà giúp bà con chủ động sắp xếp tính hợp lý. Các địa phương dọc quốc lộ 1 tính toán lượng mưa xem chỗ nào ngập lụt thì thành lập trạm trung chuyển để đưa bà con qua điểm ngập lụt", ông Hiệp nói.

Tại cuộc họp, Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên, Phó chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết công an ghi nhận khoảng 26.000 lao động đang từ các tỉnh phía Nam về quê trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh. "Dòng người về quê vẫn sẽ tiếp tục, chúng tôi đã chỉ đạo cho công an các tỉnh dừng toàn bộ hoạt động di chuyển của người dân từ phía Nam ra trong thời gian ảnh hưởng của bão", ông Nguyên nói và cho biết đã đề nghị các tỉnh bố trí nhà văn hóa để cho người dân tránh, trú tạm.

Công an các tỉnh hiện đã huy động 3.000 chiến sĩ, 8.000 phương tiện dẫn đoàn, xe chở quân ứng trực trên 2.000 điểm xung yếu về giao thông để hỗ trợ người dân về quê.