Bão số 7 đổ bộ Đồng bằng Bắc bộ vào chiều nay, dự báo mưa lớn dồn dập 10 ngày tới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đến 16 giờ ngày 10/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 105,9 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền khu vực Nam đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, vào rạng sáng nay, 10/10, bão số 7 với tên quốc tế Lionrock cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 100km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 khoảng 120km tính từ tâm bão.

Trong sáng nay, bão số 7 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 10h sáng cùng ngày, vị trí tâm bão số 7 ở khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, cách Hải Phòng khoảng 100km, cách Nam Định khoảng 130km, cách Thanh Hóa khoảng 180km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Dự báo trong chiều nay, bão số 7 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15-20km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Bão số 7 sẽ đổ bộ vào đồng bằng Bắc bộ trong chiều nay, 10/10

Bão số 7 sẽ đổ bộ vào đồng bằng Bắc bộ trong chiều nay, 10/10

Đến 16 giờ ngày 10/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 105,9 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền khu vực Nam đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 18,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn.

Do ảnh hưởng kết hợp của hoàn lưu cơn bão số 7 với không khí lạnh tăng cường nên ở Vịnh Bắc bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 3,0-4,0m, biển động rất mạnh.

Trong ngày hôm nay, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh cấp 6-7, phía Bắc có nơi cấp 8, giật cấp 10.

Từ chiều đến đêm nay, ở Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội có gió giật mạnh cấp 6-7.

Từ ngày hôm nay đến ngày 11/10, ở phía Đông Bắc bộ có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150-200mm, có nơi trên 250mm; ở phía Tây Bắc Bộ có mưa to, tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm;

Từ ngày hôm nay đến ngày 12/10, ở khu vực Bắc Trung bộ có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 100-250mm, có nơi trên 250mm.

Thêm vào đó, hiện nay, trên vùng biển phía Đông của Philippines một cơn bão có tên quốc tế là KOMPASU đang hoạt động. Lúc 4 giờ sáng nay, bão KOMPASU có vị trí ở vào khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 130,1 độ Kinh Đông với cường độ mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Dự báo, khoảng đêm 11 đến sáng ngày 12/10, bão KOMPASU có khả năng đi vào Biển Đông trở thành cơn bão số 8.

Địa phương lên kịch bản ứng phó mưa lớn 10 ngày

Dự báo, trong khoảng 10 ngày tới, khu vực Bắc bộ và Trung bộ mưa lớn liên tiếp do ảnh hưởng từ hoàn lưu của bão số 7 và tổ hợp các loại hình thiên tai đang được dự báo dồn dập xuất hiện.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng đặc biệt lưu ý các địa phương, bộ, ngành về tình huống này.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, trước liên hoàn tổ hợp thời tiết cực đoan trong những ngày tới, các địa phương cần lên kịch bản ứng phó với thiên tai trong 10 ngày.

"Mặc dù dự báo xa có thể không chính xác, chính quyền và người dân cần có cái nhìn tổng quan để thấy được mức độ cực đoan của thời tiết. Nếu có kịch bản cụ thể, chúng ta sẽ chủ động được phương án ứng phó khi xuất hiện bão số 8 cùng những hình thái khác", ông Lê Minh Hoan nói.

Trước tình hình mưa bão diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, phương án ứng phó ngoài việc kết hợp phương án phòng chống dịch bệnh, các địa phương cần lưu ý thêm tình hình người dân di chuyển từ các tỉnh miền Nam ra Bắc.

Theo ông Lê Minh Hoan, bão lũ kèm dịch bệnh sẽ khiến việc di chuyển của người dân có mức độ rủi ro, nguy hiểm cao hơn. Do đó, ông Hoan đề nghị chính quyền các địa phương can thiệp kịp thời, thông tin về diễn biến thời tiết cho người dân trở về, đặc biệt từ 4 tỉnh, thành phố là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Việc này giúp người dân phán đoán, ra quyết định để không tạo ra rủi ro đột biến cho bản thân.

Đồng thời, trong lúc thiết lập các điểm, khu cách ly tập trung cho những người mới về theo quy định của Bộ Y tế, các địa phương cần lưu ý thêm khả năng chống chịu trước mưa bão của các khu vực này.

"Chúng ta không chủ quan để bão lớn thiệt hại nhỏ mà bão nhỏ thì thiệt hại lớn. Trong bão có thể không nguy hiểm, nhưng hoàn lưu sau bão có thể gây mưa lớn", Bộ trưởng Hoan nói và cho biết các địa phương cần căn cứ diễn biến thực tế để ra quyết định cấm biển, cấm ra đường, cấm vào rừng, cấm ra đồng...