Bão số 3 làm 6 người chết và mất tích, 4 người bị thương

ANTD.VN - Tính đến 7h ngày 20-8 bão số 3 đã làm 6 người chết và 4 người bị thương. Thiệt hại về hoa màu và tài sản hiện vẫn chưa được thống kê cụ thể.

Người chết do lũ cuốn trôi là ông Mùa Bả Sủa (48 tuổi) ở bản Phá Thóng, xã Púng Pánh, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La và vợ chồng ông Hờ Chông Dinh (72 tuổi) - bà Sùng Thị Mỉ (70 tuổi, ở xã Làng Nhì, Trạm Tấu, Yên Bái).

Khoảng 14 giờ ngày 20-8, anh Lê Vinh Hậu (sinh năm 1974, ở khu 7 phường Trường Thịnh, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) đã bị nước cuốn trôi khi đang vớt củi trên sông.

Một số nhân chứng cho biết thời gian trên, tại phường Phong Châu, thị xã Phú Thọ, khu vực giáp sông Hồng, rất đông người dân thị xã đổ ra phía sông để vớt củi. 

Mặc dù mực nước lên cao, chảy xiết, rất nguy hiểm nhưng anh Hậu cùng một số người dân vẫn liều mình bơi ra sông. Anh Hậu bị đuối sức và vào vùng nước xoáy nên bị nhấn chìm. Một số người dân nhìn thấy sự việc nhưng không kịp cứu anh Hậu. Khu vực xảy ra vụ việc cách nhà nạn nhân khoảng 500 mét.

Ngay khi sự việc xảy ra, gia đình nạn nhân đã tổ chức lực lượng đi xuôi dòng chảy để tìm kiếm nạn nhân, đồng thời báo cáo sự việc nên chính quyền địa phương.

Theo ông Hoàng Ngọc Chiến, trưởng khu dân cư số 7, phường Trường Thịnh, đến 17 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng và người dân địa phương vẫn chưa thấy tung tích nạn nhân.

Người mất tích do đi qua ngầm tràn bị lũ cuốn trôi là ông Triệu Tiến Hương (42 tuổi), ở thôn Tuấn Sơn, xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Bốn người bị thương gồm ba người ở Hà Nội, một người ở Vĩnh Phúc (chủ yếu là do cây đổ).

Bão số 3 làm 13 nhà bị đổ sập, cuốn trôi; 297 nhà bị tốc mái, hư hại; 117 nhà bị ngập nước. Khoảng 5.844 ha lúa và hoa màu bị ngập úng, 595 ha cây trồng lâu năm bị thiệt hại, 251 cây xanh bị gãy đổ, 63 cột điện bị ngã đổ. 115 đường dây điện bị sự cố.

Mưa bão khiến nhiều tuyến đường ở Hà Nội bị úng ngập (Ảnh: TTXVN)

Tại Hà Nội, mưa bão làm 3 người bị thương, 11 căn nhà bị tốc mái, trên 100 cây xanh bị gãy đổ, hàng chục ôtô, xe máy bị hư hỏng; hàng loạt tuyến phố như: Tân Triều, Ngọc Hồi, Phùng Khoang, Quan Nhân, Cự Lộc, Minh Khai-Mạc Thị Bưởi, Hoàng Mai (từ ngõ 169 đến Ủy ban Nhân dân phường Hoàng Văn Thụ), Nguyễn Chính, Giải Phóng (trước cổng Bến xe phía Nam), 126 Vĩnh Hưng, Thanh Đàm, Trường Chinh... bị ngập úng khiến cho người dân đi lại khó khăn.

Tại huyện Lương Sơn (Hòa Bình), lũ dâng nhanh đã cô lập 3 hộ gia đình tại xóm Cời xã Tân Vinh với 11 người. Nhận được tin báo, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn huyện Lương Sơn đã khẩn trương triển khai phương tiện, lực lượng tổ chức cứu hộ kịp thời; đến 22h ngày 19-8 đã đưa được 11 người đến nơi an toàn.

Cũng trong ngày 19-8, quần chúng nhân dân và lực lượng cứu hộ cứu nạn các xã Trường Sơn và Tiến Sơn, huyện Lương Sơn, đã cứu được 2 người bị lũ cuốn trôi khi đang cố vượt qua ngầm suối Ngành, xã Tiến Sơn, và ngầm tràn trên tuyến đường Trường Sơn A, xã Trường Sơn.

Tại Quảng Ninh, nước sông lên cao khiến hai tuyến đường chính vào huyện Ba Chẽ bị ngập lụt cục bộ khiến giao thông giữa huyện với các địa phương khác bị gián đoạn. Trước tình hình này, lực lượng chức năng và lực lượng vũ trang huyện Ba Chẽ đã khẩn trương di dời toàn bộ tài sản, hàng hóa của 95 hộ tiểu thương tại Chợ Trung tâm Ba Chẽ và 126 hộ dân trên địa bàn thị trấn có nguy cơ ngập lụt về nơi tránh trú an toàn. Đến thời điểm 19h30 ngày 19-8, Ba Chẽ vẫn bị cô lập hoàn toàn. 

Bão số 3 làm 6 người chết và mất tích, 4 người bị thương ảnh 2Nam Định gia cố đê sau cơn bão số 3

Tại Nam Định, mưa lớn kéo dài đã làm cho 12ha lúa mùa bị ngập trắng, 37ha lúa ngập hai phần ba thân cây và 660 ha ngập sâu trong nước. Diện tích lúa bị ảnh hưởng do mưa lớn chủ yếu ở thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc. 

Mưa bão cũng đã làm cho nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh Nam Định, nhất là thành phố Nam Định bị ngập sâu từ 40-50cm, gây khó khăn, nguy hiểm cho người và các phương tiện tham gia giao thông. 

Tại Sơn La, tính đến sáng ngày 20-8, đã có một người chết do lũ cuốn trôi. Nạn nhân là ông Mùa Bả Sủa (48 tuổi) ở bản Phá Thóng, xã Púng Pánh, huyện Sốp Cộp. Ngoài ra, mưa lũ đã làm gần 200 ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng; hơn 120ha lúa và hoa màu bị cuốn trôi, ngập úng; 270 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi; 14 công trình cầu treo, đập xây và gần 140m kênh mương bị hư hỏng. Thiệt hại tập trung ở các huyện Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn và Vân Hồ. 

Tại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), từ chiều tối 19-8, dòng nước lũ từ thượng nguồn Lào đổ về trên sông Nậm Nơn đã khiến nhiều khu vực bị ngập, chia cắt. Có 11 ngôi nhà dọc ven sông bị chìm sâu gần 4 m dưới nước, nhiều lồng nuôi cá trên dòng Nậm Nơn cũng bị nước cuốn trôi, 4 xe ô tô tải lớn của một số doanh nghiệp chở gỗ đậu ở khu đất trống ven dòng sông này cũng bị nước cuốn mất tích.

Mưa lớn khiến mực nước trên sông Thao tại Yên Bái dâng cao (Ảnh: VNE)

Tại Yên Bái, tối 19-8, vợ chồng ông Hờ Chông Dinh (72 tuổi) và bà Sùng Thị Mỉ (70 tuổi) đang ở lán trại của gia đình ở xã Làng Nhì (Trạm Tấu) thì bị lũ cuốn thiệt mạng. Mưa lũ còn khiến nhiều tuyến đường của huyện bị sạt lở nghiêm trọng.

Tại Lào Cai, lũ quét ập về đột ngột cuốn mất tích Châu A Dế (SN 2002, dân tộc Mông, trú tại xã Hầu Thào, huyện Sa Pa); mưa lũ cũng cuốn trôi 3 nhà dân, gió lốc mạnh gây tốc mái 8 nhà, có 23 nhà bị ngập nước sâu. 11 xe máy và 1 máy phát điện của người dân xã Lao Chải (Sa Pa) và 2 chiếc cầu bị cuốn trôi. 

Hiện tình hình mưa lũ ở Lào Cai còn diễn biến phức tạp và khó lường. Chính quyền các địa phương khuyến cáo: Người dân không vượt các ngầm tràn, đập tràn, vận chuyển bè mảng, chèo thuyền vớt củi, đánh bắt cá trên các sông suối khi lũ cao để phòng tránh mọi hiểm họa bất ngờ.