Bão số 3 giật cấp 14-15 đổ bộ Quảng Ninh- Hải Phòng

ANTĐ - Theo dự báo, vào tối mai 16-9 hoặc rạng sáng 17-9, bão số 3 có tên quốc tế là Kalmaegi sẽ đổ bộ vào các tỉnh Quảng Ninh- Hải Phòng với cấp gió giật 14-15.

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, vào 17 giờ chiều 15-9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 115 độ Kinh Đông, bão ở đầu cấp 13, giật cấp 15-16, di chuyển với vận tốc hơn 30km/h.

“Đây là một cơn bão mạnh, tăng cấp rất nhanh, trong vòng từ 24-36 tiếng, bão số 3 đã mạnh từ cấp 8 lên cấp 13. Bão có cường độ mạnh và di chuyển với vận tốc nhanh như vậy là hiện tượng hiếm gặp trong lịch sử quan trắc”, ông Cường nhận định.

Từ chiều 15-9, bão số 3 tiếp tục mạnh thêm. Dự báo, bão số 3 sẽ đạt cực đại ở cấp 14, giật cấp 15-16 trước khi đổ bộ vào đảo Hải Nam và Lôi Châu (Trung Quốc). Đi vào Vịnh Bắc bộ, bão số 3 sẽ giảm đi từ 1-2 cấp. Dự kiến, vào khoảng từ đêm 16-9 đến rạng sáng 17-9, bão số 3 sẽ đổ bộ vào các tỉnh Quảng Ninh- Hải Phòng, cường độ bão khi đổ bộ ở cấp 11-12, giật cấp 14-15. Phạm vi ảnh hưởng của bão rất rộng, vùng gió giật cấp 7 trở lên có bán kính khoảng 350km. Sau khi đổ bộ, bão số 3 suy yếu nhanh và di chuyển lên khu vực Lạng Sơn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái và gây mưa lớn cho toàn khu vực này. 

Do ảnh hưởng hoàn lưu của bão sẽ gây ra một đợt mưa to đến rất cho toàn khu vực miền Bắc. Lượng mưa phổ biến từ 100-200mm. Mưa sẽ diễn ra từ chiều và đêm 16-9 đến trưa 17-9, sau đó lan dần lên vùng núi phía Bắc. Vùng trọng tâm mưa là Đông Bắc bộ và đồng bằng Bắc bộ, Trung du phía Bắc lượng mưa từ  200-300mm, một số nơi có thể trên 300mm.

Mưa sẽ gây ra một đợt lũ lớn ở các tỉnh miền núi phía Bắc, vùng thượng lưu lũ từ 3-7m, hạ lưu từ 2-4m. Sông Thao tại Yên Bái có khả năng vượt BĐ III khoảng 0,5m. Hầu hết các tỉnh nằm trong vùng Đông Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ… đều có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét do mưa lớn gây ra. Trong đợt mưa lũ này, các hồ  chứa cũng là một mối quan ngại lớn. Dự báo, lượng nước về hồ Sơn La đạt khoảng 5.000-6.000m3/s, về hồ Hòa Bình từ 4.000-6.000m/3.

Phạm quét của bão số 3 có bán kính tới 350km

Đáng lo ngại nhất hiện nay là lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong cơn bão số 2, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay, không có người bị thiệt mạng trên biển do bão, nhưng có đến 38 người bị thiệt mạng do lũ quét, sạt lở đất tại 8 tỉnh miền núi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Thanh Dương cho hay, hậu quả do cơn bão số 2 gây ra hiện vẫn còn một số nơi chưa khắc phục xong như ở Bảo Yên, Bát Xát, Sa Pa. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 36/88 hồ thủy lợi được xây dựng cách đây 40-50 năm, rất nguy hiểm nếu có mưa lớn đổ về.

“Khó khăn nhất là còn 198 hộ dân đang phải sống ở những nơi cực kỳ nguy hiểm như sạt lở núi, lũ quét. Dù các hộ đã đồng ý di chuyển nhưng tỉnh chưa bố trí được đất tái định cư. Hiện, 198 hộ đã được thông báo tạm thời sơ tán đến nơi an toàn trước khi bão số 3 đổ bộ”, ông Nguyễn Thanh Dương lo ngại.

Chỉ đạo cuộc họp đối phó với bão số 3 vào chiều tối 15-9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý các tỉnh, thành không chủ quan trước diễn biến của bão số 3. “Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 2, các tỉnh phía Bắc cần lưu tâm tới việc phòng chống lũ quét, sạt lở đất. Bão số 2 chúng ta ứng phó rất tốt trên biển nhưng hậu quả do lũ quét gây ra vẫn rất lớn. Thủ tướng cũng rất sốt  ruột về thực trạng này”.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu sơ tán dân, ngưng hoạt động tàu thuyền trước 17 giờ ngày 16-9


Phó Thủ tướng yêu cầu, trước 17 giờ chiều 16-9, toàn bộ các địa phương phải hoàn thành việc sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn.

“Chúng ta phải khẩn trương vì tình huống đã hết sức cấp bách, bão di chuyển rất nhanh và chúng ta chỉ còn chưa đầy 24 tiếng nữa để hoàn tất việc chuẩn bị”. Tất cả các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão phải tạm dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo đối phó bão, căn cứ vào tình hình thực tế quyết định sơ tán dân, cho học sinh nghỉ học. Các lãnh đạo phải phân công về những vùng xung yếu để kiểm tra, đôn đốc. Ở những tỉnh miền núi phía Bắc, tại những vị trí đập tràn qua suối có người dân qua lại phải bố trí canh gác 24/24h…