Bão số 1 đổ bộ vào Nam Định, gây mưa lớn

ANTĐ - Tối 27-7, bão số 1 đã đổ bộ vào địa phận Nam Định, trọng tâm là huyện Hải Hậu với sức gió mạnh nhất vùng tâm bão mạnh cấp 8-9. Dù bão không lớn nhưng hoàn lưu sau bão được dự báo sẽ gây mưa lớn.

Bão số 1 đổ bộ vào Nam Định, gây mưa lớn ảnh 1Các lực lượng vũ trang giúp người dân ven biển huyện Tiền Hải khắc phục nhà sập do ảnh hưởng của cơn bão số 1 gây ra

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương thông tin, sau khi đổ bộ vào Nam Định, bão số 1 đã nhanh chóng suy yếu tại khu vực các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Do ảnh hưởng của bão số 1, từ chiều 27-7 đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 12. Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình đã có gió mạnh cấp 5-6, giật cấp 7-8.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định cho biết, vào lúc 15h ngày 27-7, Đồn Biên phòng Quất Lâm, huyện Giao Thủy (Nam Định) đã cứu nạn thành công 3 ngư dân trên tàu mang số hiệu NĐ - 91737 CS do anh Lê Văn Tuấn (ở thị trấn Quất Lâm) làm thuyền trưởng khi tàu đang ở cửa sông Sò - Hà Lạn (xã Hải Phúc, huyện Hải Hậu) thì bị sóng to, gió lớn đánh chìm. Đến 19h ngày 27-7, Nam Định đã kêu gọi toàn bộ hơn 2.000 tàu thuyền với trên 5.200 lao động hoạt động trên biển vào nơi tránh trú bão an toàn.

Huyện Giao Thủy đã di dời trên 1.500 hộ với gần 5.000 người ở 1.027 lều chòi nuôi trồng thủy hải sản và các ngôi nhà yếu vào nơi an toàn. Huyện Hải Hậu đã sơ tán 47 hộ với 100 nhân khẩu ở vùng có khả năng ngập lụt và 1.000 nhân viên phục vụ tại hơn 200 nhà hàng ở khu du lịch Thịnh Long đến nơi an toàn. Huyện Nghĩa Hưng đã di chuyển 61 người ở 59 lều, chòi và 281 hộ nuôi trồng thủy sản ở đê Cồn Xanh vào khu vực trong đê.

Tại vùng biển Quất Lâm, thị trấn Quất Lâm, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định gió lớn, sóng đánh mạnh lên cả đê kè chắn sóng. Tất cả quán ăn, nhà hàng kinh doanh trên địa bàn đều đóng cửa để tránh bão. Đến 19h, gió giật mạnh, sóng biển tràn vào cả nhà dân, người dân kinh doanh tại các nhà hàng lúc này mới chạy bão.

 Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau suy yếu thành vùng áp thấp, các tỉnh Bắc bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa cả đợt do bão số 1 gây ra phổ biến 100-200mm, có nơi trên 300mm. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng các tỉnh thuộc Đông Bắc, đồng bằng Bắc bộ và Việt Bắc. 

Tại Quảng Ninh, để đảm bảo an toàn, đến 17h ngày 26-7, gần 2.000 khách du lịch tại đảo Cô Tô đã được đưa vào bờ. Còn hơn 600 khách du lịch, trong đó có 5 khách nước ngoài có nhu cầu ở lại, đã được huyện Cô Tô đảm bảo chỗ ăn nghỉ. Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh đã dừng cấp phép cho tàu du lịch đưa khách thăm vịnh Hạ Long từ 6h sáng. Gần 500 tàu du lịch hoạt động tại Cảng tàu khách Tuần Châu đã về nơi tránh trú an toàn.

Ngày 27-7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão số 1 tại Thái Bình và Hải Phòng. Phó Thủ tướng đã kiểm tra nơi neo đậu tàu thuyền tại cảng Diêm Điền, kiểm tra hệ thống đê biển Thái Bình và việc phòng tránh bão tại công trình xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cơn bão đầu tiên của năm nay trên Biển Đông di chuyển rất nhanh, diễn biến phức tạp, theo dự báo thì Thái Bình sẽ là trung tâm ảnh hưởng của cơn bão. Trước nguy cơ mưa lớn kéo dài, các địa phương cần tăng cường kiểm tra các công trình thủy lợi, chủ động chống úng, đề phòng mưa lớn gây ngập hoa màu. Bên cạnh đó, cần theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, tình hình nước dâng ở các sông ngòi, chủ động bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, có kế hoạch sơ tán, di dời dân khỏi những khu vực có khả năng lũ quét, sạt lở cao.

Để chủ động đối phó với diễn biến mới của bão và mưa lũ lớn trên diện rộng do ảnh hưởng hoàn lưu bão, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh tới Thanh Hóa sơ tán dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng thấp trũng có nguy cơ ngập lụt ven sông, ven biển, vùng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn; chỉ đạo việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hầm lò, bến cảng, khu du lịch.

Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc phải theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, đặc biệt mực nước trên các sông suối suối; cảnh báo, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh; Sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng thấp, phương án đảm bảo an toàn cho các công trình, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản…

Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội sáng 27-7 đã có công điện yêu cầu các xí nghiệp, đơn vị trực thuộc phân công, bố trí 100% lực lượng ứng trực khi có mưa giông, gió bão. Thời gian bắt đầu từ 17h ngày 27-7. Bên cạnh đó, kiểm tra, chằng chống các cây lâu năm, cây quý hiếm trong các vườn hoa, công viên. Kiểm tra ngay hệ thống cọc chống các cây mới trồng trên địa bàn các xí nghiệp được giao quản lý. Huy động toàn bộ các trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ phòng bão, ứng trực sẵn sàng đáp ứng yêu cầu giải tỏa cây đổ, cành gãy khi có sự cố xảy ra.