“Bao phủ” bảo hiểm

ANTĐ - Tại cuộc hội thảo về bảo hiểm y tế do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới tổ chức, Tổng Giám đốc của tổ chức này khuyến nghị, không một nước nào trên thế giới đạt được độ bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân thông qua bảo hiểm y tế tự nguyện. Chỉ có bảo hiểm y tế hộ gia đình là cách nhanh chóng và bền vững để mở rộng mức bao phủ y tế toàn dân. Kinh nghiệm quốc tế là mọi người có thu nhập đều phải đóng góp tham gia bảo hiểm y tế, Chính phủ trợ cấp người nghèo và đối tượng thu nhập thấp.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đang được chỉnh sửa, hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5-2014. Một trong những nội dung cơ bản sửa đổi là có quy định BHYT là hình thức bắt buộc hay không. Dự thảo đưa ra 2 phương án, trong đó phương án 1 là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng với các đối tượng. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành phương án 1. Mọi đối tượng bắt buộc tham gia vì là trách nhiệm công dân đối với cộng đồng để tiến tới thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. Nhà nước cần có những chính sách, biện pháp cụ thể giúp đỡ người dân tham gia.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định, việc tham gia BHYT bắt buộc là rất quan trọng, phù hợp với mục tiêu bao phủ y tế toàn dân, tăng cường sự chia sẻ xã hội theo hướng người giàu hỗ trợ người nghèo, người khỏe giúp người bệnh. Một vấn đề đặt ra là, liệu độ bao phủ BHYT toàn dân có đáp ứng mục tiêu bao phủ chính sách chăm sóc sức khỏe toàn dân hay không? Hiện nay, vẫn còn 33% dân số chưa tham gia BHYT, trên 50% doanh nghiệp chưa đóng bảo hiểm cho người lao động. Người lao động hưởng lương chỉ chiếm 7,9% tổng số người có BHYT. Chưa kể, ở khu vực lao động phi chính thức mới có hơn 25% hộ cận nghèo tham gia BHYT, hầu hết hộ nông dân thu nhập trên trung bình chưa có BHYT. Ý kiến của một số đại biểu đề xuất cần trao quyền thanh tra thu đóng phí BHYT cho cơ quan BHXH, có các giải pháp cưỡng chế, xử phạt nặng vi phạm ở khu vực lao động chính quy.

Ở khu vực lao động phi chính thức, Nhà nước nên thực hiện BHYT theo hộ, hỗ trợ 100% mức phí cho người cận nghèo; đồng thời nâng mức hỗ trợ người có thu nhập trung bình. Sửa đổi Luật BHYT là việc cấp thiết, nhưng tình trạng lạm dụng xét nghiệm, thuốc, hóa chất, vật tư y tế, kê đơn thuốc ngoài danh mục, kê khống tiền thuốc vẫn chưa được khắc phục. Có nơi, cán bộ y tế sử dụng thẻ BHYT của người thân để lấy thuốc ở bệnh viện. Người có thẻ cho thuê thẻ, thuê người bị bệnh mạn tính đi khám nhiều nơi để lĩnh thuốc…

Để thu hút người dân tham gia BHYT, việc làm cần thiết là phải mở rộng quyền lợi của người tham gia. Theo đó, tăng cường phối hợp giữa chính sách thu BHYT với viện phí, giá thuốc, giải quyết tốt quan hệ giữa chất lượng khám chữa bệnh và khả năng chi trả của người dân. “Bao phủ” bảo hiểm toàn dân là mục tiêu và cũng là thách thức lớn.