Xét xử vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề

"Bảo mẫu" nhà mở cố tình không đưa cháu bé vào sổ theo dõi

ANTĐ - Sau phiên tòa bị hoãn hôm 28-8, hôm nay (9-9), TAND quận Long Biên mở lại phiên xử đối với vụ án mua bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề, hồi đầu năm 2014, gây sự chú ý đặc biệt của dư luận xã hội.

Người mẹ “nhỡ nhàng” dự tòa với mái tóc vàng hoe  

Theo đó, tại tòa, hai “mẹ mìn” bị VKSND quận Long Biên truy tố về tội “Mua bán trẻ em”, theo khoản 1, Điều 120-BLHS là Phạm Thị Nguyệt (SN 1970), trú ở phường Ninh Sơn, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình và Nguyễn Thị Thanh Trang (SN 1978), trú phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Bị hại trong cuộc mua bán trẻ em này là cháu Cù Nguyên Công (tức Phạm Gia Bảo, SN 2013) vốn được cặp đôi sinh con ngoài ý muốn mang gửi vào chùa Bồ Đề (tại phường Bồ Đề, quận Long Biên) để nuôi dưỡng, chăm sóc.

Hai "mẹ mìn", Nguyễn Thị Thanh Trang (bên phải) cùng đồng phạm tại phiên tòa.

 

Với tư cách đại diện hợp pháp của bị hại, chị Trần Thị Thu H (SN 1989, ở Cẩm Khê, Phú Thọ, tạm trú tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) – mẹ đẻ cháu Công cũng có mặt tại phiên xử. Xuất hiện tại tòa, chị H trông khá “sành điệu” với mái tóc vàng hoe.

Vụ án cháu Cù Nguyên Công bị Phạm Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Thanh Trang mua bán với nhau bắt nguồn từ việc năm 2011, chị Trần Thị Thu H  chung sống như vợ chồng với anh Vũ Xuân T (SN 1984, quê ở Tuyên Quang) dẫn đến có thai ngoài ý muốn.

Ngày 25-10-2013, chị H đã sinh hạ được 1 bé trai kháu khỉnh. Do sợ gia đình nổi giận nên chỉ 4 ngày sau khi sinh nở, chị H và anh T liền bế đứa con trai ngoài ý muốn đến chùa Bồ Đề để nương nhờ “cửa phật”. Cảm thông với cảnh ngộ của cặp đôi này, Ni sư Thích Đàm Lan – Trụ trì chùa Bồ Đề  đã gọi Trang (khi ấy là người phụ trách nhà mở - nơi quản lý và nuôi dưỡng các cháu bé ở chùa) đến làm thủ tục tiếp nhận.

Ít ngày sau, anh Nguyễn Thành Long (một người thiện nguyện) cùng một số bạn bè đến chùa Bồ Đề để thăm nom các cháu nhỏ và  thấy Trang chăm sóc bé trai kháu khỉnh (con chị H) nên đề nghị được làm cha đỡ đầu. Và rồi, người đàn ông có “tâm hồn của Phật” này đã đặt tên cho cháu bé con chị H là Cù Nguyên Công.

Mặc dù cháu Công đã được đưa vào chùa Bồ Đề nuôi dưỡng nhưng ngày 1-1-2014, Trang đã “đánh tháo” con trai chị H ra khỏi nhà mở để giao cho Nguyệt mang về làm con nuôi. Đổi lại, “bảo mẫu” này được Nguyệt trả cho 35 triệu đồng, bớt 5 triệu đồng so với lời hứa hẹn ban đầu.

Can án vì xuất phát từ tình yêu thương trẻ (!?)

Trước tòa, Nguyễn Thị Thanh Trang cho rằng không có chuyện mua bán cháu Công giữa bị cáo và Nguyệt. Về số tiền nhận của đồng phạm, bị cáo này thanh minh đó thuần túy chỉ là tiền mà Nguyệt cho bị cáo và mẹ đẻ cháu công để bồi dưỡng sức khỏe.

Buộc phải khai báo lại hành vi đang bị cáo buộc, bị cáo Trang trình bày quen biết Nguyệt vào khoảng tháng 8-2012. Sau đó, 2 người thường xuyên tâm sự với nhau do thi thoảng Nguyệt lại tìm đến chùa Bồ Để vãn cảnh và chơi với các cháu bé trong nhà mở. Trang cũng từng đến nhà Nguyệt chơi đôi lần.

Tiếp đến đầu năm 2013, trong một lần tâm sự, Nguyệt đặt vấn đề với Trang rằng tìm cho đối tượng 1 cháu trai khỏe mạnh để “mẹ mìn” này xin về làm con nuôi giúp người chị gái. Tuy nhiên, sau đó Nguyệt nói lại với đồng phạm là chị ta sẽ trực tiếp nuôi dưỡng cháu bé mà Trang sẽ tìm kiếm giúp.

Bẵng đi một thời gian thì đến cuối năm 2013, chị H và anh T bế cháu Công đến chùa Bồ Đề gửi gắm. Theo lời khai của Trang, khi ấy mẹ đẻ cháu Công nói dối rằng cháu bé là con của một người bạn học bị nhỡ nhàng. Tuy nhiên, sau khi gửi con vào chùa, chị H đã nói thật cho Trang biết cháu Công là con ruột của mình và muốn cho ai đó làm con nuôi.  

Bị tòa “quay” về quy trình tiếp nhận nuôi dưỡng trẻ ở chùa Bồ Đề, bị cáo Trang thừa nhận khi có người mang trẻ đến gửi, chị ta sẽ được Ni sư Thích Đàm Lan gọi đến làm thủ tục tiếp nhận. Ở đó, người gửi trẻ phải viết đơn nhờ nhà chùa nuôi dưỡng, photo CMND và phải khai báo rõ mối quan hệ và nguồn gốc cháu bé mang đến gửi.

Là người được giao quản lý nhà mở nên bước tiếp theo, Trang phải phân loại cháu bé, rồi giao về từng nhóm trẻ tương ứng với độ tuổi và sau cùng là phải vào sổ theo dõi trẻ ở chùa, đồng thời phải tiến hành khai báo tạm trú với cơ quan công an hoặc chính quyền sở tại.

Đối với trường hợp cháu Cù Nguyên Công, Trang thừa nhận khi tiếp nhận cháu trai này, bị cáo đã để ngoài sổ sách theo dõi ở chùa và cũng không khai báo tạm trú với chính quyền địa phương. Và đây cũng chính là lý do khiến sau này Trang và Nguyệt dễ dàng “đánh tháo” cháu Công ra khỏi chùa để thực hiện một cuộc mua bán trẻ em.

Lý giải về sự khuất tất này, “bảo mẫu” từng chịu trách nhiệm quản lý nhà mở tại chùa Bồ Đề lấp liếm rằng: “Do thời điểm cháu Công được mang đến chùa, UBND quận Long Biên đã có khuyến cáo nhà chùa là không nhận thêm trẻ nữa do điều kiện nuôi dưỡng không đảm bảo nên bị cáo mới không lưu tên tuổi cháu vào sổ theo dõi”. Về giấy chứng sinh, theo Trang do chị H sinh con trong nhà nghỉ nên không có.     

Bước đầu trả lời thẩm vấn tại tòa vào sáng nay, bị cáo Phạm Thị Nguyệt cũng phủ nhận việc mua bán cháu Công với đồng phạm. Theo “mẹ mìn” này, chỉ sau khi nhận được con trai chị H thì bị cáo mới đưa 35 triệu đồng cho Trang để chuyển tới mẹ đẻ cháu Công bồi dưỡng sức khỏe. Trước đó, bị cáo và Trang không hề thỏa thuận hay bàn bạc gì về chuyện tiền nong trong vụ nhận cháu bé về nuôi dưỡng.

Giải thích về mục đích, động cơ mua bán cháu Công, bị cáo Nguyệt khẳng định: “Xin cháu Công về nuôi dưỡng, bị cáo hoàn toàn chỉ xuất phát từ tình yêu thương trẻ. Hơn nữa, bị cáo muốn sau này về già còn có chỗ để nương tựa”.

Mặc dù khai báo như trên, song thực tế ở thời điểm can án, Phạm Thị Nguyệt đã có 2 con ruột (SN 1991 và SN 1995) ở quê và đang nuôi 2 cháu bé khác (4 tuổi và 2 tuổi) cũng xin từ chùa Bồ Đề. Về điều kiện kinh tế, lúc ấy bị cáo Nguyệt đang trong tình trạng thất nghiệp và phải sống dựa vào một người đàn ông, trong gian nhà chưa đầy 20m2, tại quận Hoàng Mai.

Chiều nay, phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn 2 “mẹ mìn” của vị đại diện VKSND quận Long Biên cùng các luật sư tham gia tố tụng.      

Báo ANTĐ sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về phiên tòa này .