Bạo lực gia đình: Càng trí thức càng tinh vi

ANTĐ - Bạo lực gia đình nhiều người nghĩ nó thường chỉ diễn ra ở người ít học hành, kém hiểu biết, những gia đình nghèo khổ hay ở nông thôn, nhưng trên thực tế thì giới trí thức cũng đang phải hứng chịu bạo lực không kém gì, thậm chí còn kinh hoàng hơn. 

Bởi đối tượng gây bạo lực gia đình trong giới trí thức thường tinh vi hơn rất nhiều về cả hình thức bạo lực lẫn việc che dấu hành vi bạo lực, trong khi người bị bạo lực thì họ có quá nhiều rào cản khi chia sẻ câu chuyện của mình hay tìm sự hỗ trợ.

Sự im lặng vô cùng khủng khiếp

Nhìn bề ngoài, chẳng ai biết gia đình chị H. không hạnh phúc, vẹn toàn. Chị là cán bộ của một tổng công ty lớn, chồng cũng là người có vị trí trong một cơ quan Nhà nước, các con đều đang tuổi lớn. Ai cũng bảo gia đình chị chồng tài, vợ đẹp, con ngoan.

Vỏ bọc cuộc sống hoàn hảo ấy chỉ được phá vỡ, khi đến giọt nước tràn ly, không chịu được sự “tra tấn” cả về tinh thần, thể chất, thậm chí là tình dục của chồng, chị phải tìm đến sự trợ giúp của một trung tâm trợ giúp phụ nữ.

Bạo lực gia đình: Càng trí thức càng tinh vi ảnh 1

Chị H. kể rằng, nếu chị không nói ra, chắc không ai hình dung được mức độ “bệnh hoạn” của người chị gọi bằng chồng. Anh ta muốn kiểm soát mọi thứ, chị mua sắm cái gì mà không hỏi ý chồng là y rằng bị gây gổ, thậm chí thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Chị đi chợ về đến nhà là chồng đi theo từ ngoài cửa, hỏi xem mua cái gì, giá bao nhiêu, thịt có ôi không, cá có ươn không, nếu thấy cái gì không vừa ý là cằn nhằn cả ngày. 

Nhưng đó chưa phải điều chị khó chịu nhất. Anh ta thường xuyên ghen tuông, muốn kiểm soát vợ mọi lúc.

“Anh ta không cho phép tôi đi công tác qua đêm, nếu đi đâu ngoài công việc mà không báo cáo chồng thì y rằng hôm đấy về sẽ bị hành hạ đủ kiểu. Có lần tôi đi ăn trưa với bạn bè, anh ta gọi điện biết được vậy là cứ bắt tôi 30 phút là phải về, tôi không về anh ta gọi điện liên tục chửi bới, rồi gọi cho cả những người bạn đi ăn cùng tôi để chửi bới họ, rằng họ rủ rê tôi đi chơi bời… Lại có lần tôi đi công tác, anh ta ở nhà gây sự đánh con khóc rất to rồi gọi điện cho tôi nghe, bắt phải về ngay nếu không con có chuyện gì đừng trách anh ta. Vì không muốn chồng gây sự, và cũng xấu hổ với bạn bè nên tôi thường phải viện lý do từ chối những chuyến công tác, từ chối những cuộc hẹn hò…” - chị H. kể.

Nhưng như thế vẫn chưa làm anh chồng nguôi ngoai thói ghen tuông bệnh hoạn. Anh ta có nhu cầu tình dục rất cao, gần như đêm nào cũng đòi hỏi khiến chị mệt mỏi, sợ hãi. Khi bị vợ từ chối, anh ta cho rằng chị đã ra ngoài “no xôi chán chè” rồi nên về không “phục vụ” chồng.

Thậm chí anh ta còn đánh dấu ngày “đèn đỏ” của chị, thấy nhanh, chậm một vài ngày là y rằng hạch sách: Có phải cô uống thuốc tránh thai nên mới vậy… Sự quá đáng của anh chồng vượt quá sức chịu đựng của chị, đến nỗi hai đứa con cũng phải chứng kiến, và chúng đã trở thành những đứa trẻ “trầm cảm”, lệch lạc về tâm lý.

Đến mức độ này, chị mới quyết định nhờ đến sự trợ giúp của các cán bộ tư vấn, chia sẻ câu chuyện của mình và đi đến quyết đinh ly hôn. Người chồng vẫn tìm mọi cách bêu riếu vợ, anh ta viết đơn, thư gửi đến khắp mọi nơi mà chị có liên quan, từ cơ quan, đối tác, nơi chị học tại chức, dùng những từ ngữ bệnh hoạn, tục tĩu để nói về vợ.

Rồi như trường hợp khác, đó là chị Lê Thị L. (Vĩnh Phúc) bị người chồng là cán bộ công tác trong một Tổng công ty lớn bạo hành với những thủ đoạn “ghê rợn” như lột quần áo, đánh đập vợ dã man trước mặt bố mẹ, con cái; ép chị xem clip anh này cùng bồ quan hệ ngoại tình với sự chứng kiến của con gái; xé ảnh thờ bố vợ đặt xuống ghế để ngồi lên rồi cười hả hê, bắt mẹ vợ quỳ van xin mình...

Câu chuyện của chị chỉ được xã hội biết đến khi chị phải vào viện cấp cứu với thương tích đầy mình, được những người hàng xóm bức xúc cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng.

Hay như bà T. là một Phó Giáo sư, là giảng viên trong một trường đại học lớn ở Hà Nội. Nhiều người khi nghe bà kể câu chuyện mấy chục năm làm vợ của mình, mọi người đều phải thốt ra câu: “Tại sao sức chịu đựng của bà lớn đến vậy? Đến giờ này bà không bị điên mới lạ?”.

Suốt mấy chục năm sống với chồng, bà luôn phải chịu những trận đòn thừa sống thiếu chết của chồng, nhưng bà luôn im lặng với quan niệm cho “yên cửa, yên nhà”. Vì vậy chồng chửi bà cũng im, chồng đánh cũng im, chồng cưỡng ép quan hệ tình dục cũng im, bà im lặng giấu giếm ngay cả với những đứa con trong gia đình, mặc nhiên cho đó là một phần cuộc đời của mình. Bà chỉ quyết định tìm đến sự trợ giúp khi đứa con gái lớn nhất quyết không chịu lấy chồng vì kinh sợ đàn ông.

Vì có quá nhiều rào cản

“Ngôi nhà bình yên” thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) là địa chỉ đã từng phải tiếp nhận rất nhiều phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Theo số liệu thống kê thì số phụ nữ trí thức chiếm khoảng 18% số nạn nhân bạo hành gia đình đến “Ngôi nhà bình yên”, và con số này ngày càng tăng lên.

Mỗi một gia đình, một hoàn cảnh là một câu chuyện khác nhau, không có kịch bản chung, nhưng bạo lực trong trí thức có đặc điểm chung là người gây bạo lực tinh vi hơn, cả trong hình thức bạo lực lẫn việc che đậy hành vi bạo lực.

Bạo lực gia đình: Càng trí thức càng tinh vi ảnh 2

Chẳng hạn có người đường đường là chủ một doanh nghiệp rất lớn, vợ là một giảng viên, nhưng sẵn sàng dùng xe máy đuổi vợ đến mép vực để “một là mày nhảy xuống, hai là tao đâm mày xuống”. Hay bạo lực tinh thần theo kiểu ghi âm một đoạn chửi, đe dọa rồi để ở đầu giường bắt nghe cả đêm.

Rồi một ông chồng đánh vợ xong, không cho phép vợ ra khỏi nhà để tố cáo, để tiếp xúc với người khác nhưng sau đó lại xách cặp lồng đi mua cháo cho vợ. Thế là trong mắt hàng xóm đó vẫn là một ông chồng tốt.

Theo bà Lê Phương Thúy, Trưởng phòng Tư vấn (Trung tâm Phụ nữ và Phát triển) thì việc số phụ nữ trí thức tìm đến sự hỗ trợ ngày càng nhiều, không phải do tình trạng bạo lực gia đình trong giới này tăng lên, mà do những nạn nhân bạo lực ngày càng nhận thức rõ hơn quyền lợi của mình, đặc biệt họ nhận thấy rằng cái nhìn của xã hội với họ, những ràng buộc khác không quá quan trọng bằng việc giữ tính mạng của mình. Vì vậy họ đã tìm đến những sự trợ giúp. 

“Với những người phụ nữ ít học hành, họ có thể sẵn sàng cãi lại chồng một trận tam bành, có thể thì thầm to nhỏ với làng xóm láng giềng, nhưng với phụ nữ trí thức thì họ lại không dám làm thế. Họ có một đời sống đấu tranh nội tâm, một sự chịu đựng hết sức khủng khiếp” - bà Thúy nói.

“Nhiều trí thức đến với “Ngôi nhà bình yên”, họ nói là họ xấu hổ, trước tiên là xấu hổ với chính bản thân mình. Mình cũng là người học hành, cũng đi làm, kiếm tiền như ai, tại sao người khác không bị thế, mình lại bị thế. Họ nghĩ là mình kém cỏi.

Thứ hai là họ xấu hổ với những người xung quanh, luôn lo sợ nếu câu chuyện này lộ ra thì hình ảnh của họ với công chúng, với nhân viên, với đối tác, với thủ trưởng, với học sinh… sẽ như thế nào.

Và thứ nữa là họ thương bố mẹ, không muốn để bố mẹ biết rằng đấy cũng cho con ăn học, cũng xinh đẹp, cũng giá trị trong gia đình như thế mà lại phải chịu đày đọa như thế, bố mẹ sẽ không dám ngẩng mặt nhìn xã hội.

Rồi họ nghĩ rằng họ chịu đựng vì thương con… Nói chung là người phụ nữ trí thức họ nghĩ rất nhiều thứ, họ cho rằng đấy là sự tự trọng, tự tôn của họ. Họ nhận thức rất rõ quyền của mình, nhưng cho rằng những thứ khác quan trọng hơn, vì vậy họ không dám nói ra, không tìm đến sự trợ giúp”.

Đừng im lặng

Việc không dám nói ra với ai, không nhận được sự giúp đỡ từ những người xung quanh khiến cuộc sống người phụ nữ trong những trường hợp này trở nên bế tắc. Đa phần những người phụ nữ khi đã tìm đến sự giúp đỡ của các tổ chức đều đã từng bị đe dọa giết hoặc có ý định tìm đến cái chết để giải thoát.

Ông Hoa Hữu Vân (Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình - Bộ VH-TT&DL) cho rằng, hiện nay bạo lực, đặc biệt là bạo lực tinh thần thường diễn ra âm thầm trong các gia đình học vấn cao là phần nhiều và rất cay độc, để lại hậu quả xấu rất lớn. Nhìn lại, những vụ tự vẫn có nguyên nhân từ bạo lực gia đình tập trung rất nhiều ở các gia đình có kinh tế, tri thức thay vì ở các gia đình học vấn thấp. 

Đặc biệt với hình thức bạo lực tinh thần thì khó mà có thể thống kê được, nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện nay các vụ bạo lực thống kê được đa số là bạo lực thể xác, kinh tế - là các dạng bạo lực có thể nhìn thấy được.

Còn hầu hết bạo lực tinh thần vẫn còn nằm trong bóng tối bởi chính sự im lặng, che giấu của nạn nhân. Và vì vậy, cái thòng lọng bạo lực ngày càng thít chặt, khiến họ không thể thoát ra được.

“Vì có quá nhiều ràng buộc, nên những người bị bạo lực trong giới trí thức luôn nghĩ rằng vấn đề của họ không thể giải quyết được và vì vậy họ luôn cố gắng chịu đựng. Đúng là nếu một mình họ thì khó mà giải quyết được, nhưng hiện nay đã có rất nhiều dịch vụ hỗ trợ người bị bạo hành gia đình, vì vậy họ nên tìm đến sự trợ giúp khi cần thiết” - bà Lê Phương Thúy đưa ra lời khuyên.

Như vậy, không còn cách nào khác là phải phá vỡ sự im lặng của nạn nhân. Đây là cách tốt nhất để nạn nhân bị bạo lực gia đình tự bảo vệ và cứu mình khỏi những bi kịch bế tắc không mong muốn.