Bạo loạn ở Kazakhstan: Dấu vết ‘công nghệ Maidan’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạo loạn ở Kazakhstan cho thấy rõ ràng những dấu vết của “công nghệ Maidan” mà phương Tây đã từng sử dụng để đạo diễn vụ đảo chính trên Quảng trường Độc Lập ở thủ đô Kiev của Ukraine hồi tháng 2/2014.

Các cuộc biểu tình hàng loạt ở Kazakhstan bắt đầu vào những ngày đầu năm 2022. Khi đó cư dân phản đối việc tăng giá khí hóa lỏng gấp đôi, tiếp theo biểu tình lan rộng trên nhiều thành phố.

Tại Alma-Ata (Almaty), thủ đô cũ của nước Cộng hòa Kazakhstan, trong hai ngày 4 và 5 tháng 1, đã xảy ra đụng độ giữa người biểu tình có vũ trang với nhân viên công lực, buộc lực lượng an ninh, cảnh sát phải sử dụng khí cay và lựu đạn gây choáng. Internet đã bị ngắt và tạm thời dừng việc phát sóng một số kênh truyền hình trên lãnh thổ Kazakhstan.

Tình trạng khẩn cấp đã được áp dụng ở Kazakhstan trong hai tuần. Tại Alma-Ata và tỉnh Mangistau, tình trạng khẩn cấp được áp dụng cho đến ngày 19 tháng 1. Ttrong giai đoạn tình trạng khẩn cấp, lệnh giới nghiêm được ban bố từ 23h00 đêm hôm trước đến 07h00 sáng hôm sau.

Bạo loạn ở Kazakhstan giống Maidan 2014 ở chỗ, nó xuất phát từ hoạt động phản đối chính phủ bằng biểu tình ôn hòa nhưng nhanh chóng biến thành bạo lực vũ trang
Bạo loạn ở Kazakhstan giống Maidan 2014 ở chỗ, nó xuất phát từ hoạt động phản đối chính phủ bằng biểu tình ôn hòa nhưng nhanh chóng biến thành bạo lực vũ trang

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev cho rằng, tình trạng bạo loạn có bàn tay điều khiển ở nước ngoài, với những những phần tử có vũ trang và được huấn luyện, cả người bản xứ cũng như từ nước ngoài. Đây chính xác là các phần tử khủng bố cần phải tiêu diệt.

Ngay lập tức, lực lượng gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), gồm binh sĩ của các nước Nga, Kyrgyzstan, Armenia, Belarus và Tajikistan, đã nhanh chóng triển khai tới Kazakhstan theo đề nghị của Tổng thống Kassym-Zhomart Tokayev, để bảo vệ các tòa nhà Chính phủ và địa phương, các cơ sở có tầm quan trọng chiến lược, đồng thời hỗ trợ quân đội Kazakhstan duy trì luật pháp và trật tự.

Ngày 9/1, một thông tin gây chấn động đã được công bố, khi cơ quan truyền thông của Ủy ban An ninh Quốc gia Nước Cộng hòa Kazakhstan (KNB) đã thông báo về việc bắt giữ cựu chủ tịch KNB Karim Massimov và những người khác vì tình nghi về tội “phản quốc”.

Cựu Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia (KNB) của Kazakhstan, ông Karim Massimov. Ảnh: Reuters

Cựu Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia (KNB) của Kazakhstan, ông Karim Massimov. Ảnh: Reuters

Bình luận về sự kiện này, nhà khoa học chính trị Urazgali Selteev, giám đốc Viện Hội nhập Á-Âu, đã nhận định rằng, các sự kiện diễn ra vừa qua ở Kazakhstan là “một cuộc đảo chính có chủ đích”, với sự tham gia của nhiều thành viên Ủy ban An ninh Quốc gia Kazakhstan và bàn tay đạo diễn của phương Tây.

Theo ông, sự tham gia của hầu hết thành viên Ủy ban An ninh Quốc gia với vai trò đầy đủ của mình đã làm dấy lên 2 giả thuyết: Hoặc là Ủy ban An ninh Quốc gia “che chắn” toàn bộ quá trình “nuôi dưỡng” chiến binh trên lãnh thổ của mình, hoặc phương án thứ hai là KNB đã can dự trực tiếp vào việc tổ chức đảo chính cùng với một nhóm quyền lực nào đó.

Theo ông, lẽ ra Ủy ban An ninh Quốc gia phải là cơ cấu quyền lực đầu tiên phát hiện được sự thâm nhập của đại diện các quốc gia nước ngoài có khuynh hướng cực đoan, bao gồm các thành viên của các phong trào tôn giáo phi truyền thống, nhưng điều đó đã không xảy ra.

Vị chuyên gia chỉ rõ, kịch bản về việc chiếm giữ Alma-Ata (Almaty) và nỗ lực biến nó thành “thủ đô tự xưng” của phe nổi loạn đã được tính toán kỹ càng. Theo ông, có hai nguyên nhân chính khiến phe nhóm nổi loạn quyết tâm chiếm được Alma-Ata, bất kể có sự hiện diện của lực lượng Nga.

Thứ nhất, Alma-Ata là thủ đô của của đất nước và việc chiếm giữ nó là rất quan trọng, xét từ góc độ có thể gây hoang mang cho người dân Kazakhstan và lôi kéo dân thường tham gia bạo loạn. Hai là, ở thành phố này có một số lượng đáng kể những người phù hợp với “tiêu chí dễ bị kích động”, khi họ thuộc nhóm không có việc làm ổn định và không có gì để mất.

Nhận định về cuộc bạo loạn đang diễn ra tại Kazakhstan, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói thẳng rằng, “Công nghệ Maidan” (ám chỉ cuộc đảo chính do phương Tây dàn dựng ở Ukraine vào tháng 2/2014) đã được sử dụng trong cuộc bạo loạn ở đất nước Trung Á này.

Đồng thời, ông Putin nhấn mạnh rằng, các sự kiện đầu tháng 1 năm 2022 không phải là âm mưu can thiệp đầu tiên và cũng không phải là cuối cùng, từ các thế lực bên ngoài, vào công việc nội bộ của Kazakhstan.

Lực lượng gìn giữ hoà bình CSTO

Lực lượng gìn giữ hoà bình CSTO

Phát biểu tại phiên họp bất thường của Hội đồng An ninh Tập thể của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), ông Putin lưu ý rằng, các nhóm phiến binh được tổ chức và kiểm soát tốt đã được sử dụng ở Kazakhstan, kể cả những người được huấn luyện trong các trại ở nước ngoài.

Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng, Kazakhstan đang phải đối mặt với nguy cơ đe dọa trực tiếp đến vị thế nhà nước và cần phải ngay lập tức đáp trả “hành động xâm lược”, dưới sự hỗ trợ của các biện pháp cần thiết và kịp thời của CSTO, nhằm tạo thành một hệ thống an ninh toàn diện của các quốc gia thành viên.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, sau khi hoàn thành các chức năng của mình, tất nhiên là toàn bộ biên chế lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO sẽ rút khỏi lãnh thổ Kazakhstan, trao lại việc giải quyết công việc nội bộ cho chính người dân nước này.