Bạo loạn ở Indonesia: 33 trẻ em thiệt mạng, nhỏ nhất chưa đầy 4 tuổi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 4-10, giới chức Indonesia công bố trong 125 người thiệt mạng có 33 trẻ em, bao gồm 8 bé gái và 25 bé trai độ tuổi từ 4 tới 17 tuổi.

Ba ngày sau vụ bạo loạn kinh hoàng xảy ra tại giải vô địch quốc gia Indonesia, lực lượng chức năng đã hoàn tất việc xác định danh tính 125 người thiệt mạng.

Đáng chú ý, CNN Indonesia dẫn lời Thứ trưởng Bộ Trao quyền cho phụ nữ và Bảo vệ trẻ em Indonesia - Nahar cho biết ít nhất 33 trẻ em đã chết trong thảm kịch Kanjuruhan.

Lực lượng chức năng đưa một bé trai thoát khỏi cuộc bạo loạn hôm 1-10

Lực lượng chức năng đưa một bé trai thoát khỏi cuộc bạo loạn hôm 1-10

"Các nạn nhân gồm 8 bé gái và 25 bé trai trong độ tuổi từ 4 đến 17", CNN Indonesia thông tin và cho biết số trẻ em nhập viện vẫn đang tiếp tục được thống kê, hoàn thiện.

Giới chức Indonesia cho biết nguyên nhân thiệt mạng đa phần là do ngạt thở, thiếu oxy khi đám đông hàng ngàn người giẫm đạp lên nhau để thoát khỏi sân vận động, sau khi cảnh sát sử dụng hàng chục quả đạn hơi cay để trấn áp, giải tán những cổ động viên quá khích.

"Một số lối ra vào sân biến thành "mồ chôn tập thể" khi nhiều người chết vì giẫm đạp, nghẹt thở trước khi rời sân bằng cáng khiêng thi thể", CNN Indonesia mô tả.

Evi Elmiati, một người mẹ mất chồng và con trai 3,5 tuổi khi thảm kịch Kanjuruhan xảy ra, kể thời điểm xảy ra vụ việc, chồng bà dẫn theo con trai. Lúc cả hai chuẩn bị thoát ra thì mắc kẹt tại của số 13, trong khi hơi cay xuất hiện ngày một dày đặc.

"Bạo loạn chỉ xảy ra dưới sân nhưng tôi không thể hiểu tại sao đạn hơi cay lại bắn lên khán đài, nơi hàng ngàn người đang tháo chạy?!", bà Evi bức xúc.

Ông Sutiaji - Thị trưởng thành phố Malang (nơi xảy ra thảm kịch) xúc động kể lại việc một học sinh lớp 5 có mặt tại sân đã phải chứng kiến ​​cả cha mẹ mình bị thiệt mạng.

"Cậu bé đã ngừng nói một ngày vì bị sốc", Thị trưởng Sutiaji nói với giọng như vỡ vụn và cho biết điều ông lo ngại sau thảm kịch là chấn thương tâm lý đối với trẻ em sau khi mất đi người thân chỉ sau một trận bóng đá.

"Chính phủ cần ưu tiên và chịu mọi chi phí tư vấn chấn thương theo yêu cầu của những nạn nhân bất đắc dĩ phải trực tiếp chứng kiến vụ việc tang thương này", ông Sutiaji nhấn mạnh.

Giới chức Indonesia đã nhanh chóng lập tổ điều tra đặc biệt để xác định nguyên nhân cũng như đưa vụ việc cùng những người có trách nhiệm ra toà.

Trước mắt, Cảnh sát trưởng thành phố Malang cùng 9 thuộc cấp bị cách chức do không đảm bảo an toàn trận đấu, có hành động trấn áp thái quá với các cổ động viên gây bức xúc dư luận, theo CNN Indonesia.